Vũ khí bí mật của Iran khi đối đầu với Không quân Israel

350 máy bay chiến đấu của Iran so với 700 của Israel, Không quân Iran rõ ràng ở thế bất lợi, nhưng Không quân Israel chưa chắc đã đánh bại được Không quân Iran vì Iran có thứ vũ khí khác.

Theo trang web “Bình luận quân sự Nga”, khi tình hình ở Trung Đông nóng lên, Iran bất ngờ tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 27 tháng này. Trong cuộc tập trận, Không quân Iran đã điều động nhiều loại máy bay chiến đấu tham gia.

Những máy bay ném bom chiến đấu Su-24 và máy bay chiến đấu F-4 sẽ thực hiện bài tập ném bom tầm thấp vào các mục tiêu mô phỏng. Ngay trước khi cuộc tập trận này kết thúc, Iran bất ngờ tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung trên biển, trên bộ và trên không vào tuần tới.

Truyền thông Nga cho rằng, động thái của Iran nhằm chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”. Đánh giá khách quan, xét từ các hoạt động quân sự trong quá khứ của Israel, nếu cuộc xung đột quy mô lớn nổ ra giữa Iran và Israel, thì mục tiêu ban đầu giữa Iran và Israel có thể sẽ xoay quanh việc chiếm ưu thế trên không.

Lúc này, Không quân Israel sẽ huy động tổng lực, nhằm loại bỏ Không quân Iran; tiếp theo đó là thực hiện các cuộc tấn công với quy mô lớn vào các mục tiêu chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Iran. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ chính của Không quân Israel.

Theo thống kê chưa đầy đủ, xét về sức mạnh không quân, số lượng máy bay chiến đấu của Không quân Iran khoảng 350 chiếc; gồm 79 chiếc F-14, 27 chiếc MiG-29A/UB, 60 chiếc F-5F/E, 23 chiếc Mirage F-1EQ/BQ, 30-60 chiếc tiêm kích bom Su-24MK, 6 chiếc cường kích Su-25, 30 chiếc F-4 và hàng chục chiếc J-7 (MiG-21).

Mặc dù Không quân Iran đã lên kế hoạch đưa vào biên chế chiến đấu 50 máy bay chiến đấu Su-35S của Nga, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, Iran đã bất ngờ tuyên bố hủy bỏ kế hoạch nhận loại máy bay này vào tháng 7 năm nay.

Vì vậy, cho đến nay, chỉ có 79 máy bay chiến đấu F-14 Tomcat và 27 chiếc MiG-29, mới thực sự “đại diện” cho sức mạnh của Không quân Iran; hiệu suất của hai máy bay chiến đấu này thuộc ngang hàng với máy bay thế hệ thứ tư.

Tuy nhiên, do số máy bay F-14 và MiG-29 của Iran đã có tuổi đời đã trên 30 năm và hiện nay Iran chưa có nền công nghiệp hàng không hoàn chỉnh; nên Không quân Iran chỉ có khoảng 30 tiêm kích F-14 và tiêm kích MiG-29 có thể hoạt động.

Để so sánh, với sự hỗ trợ của Mỹ, số lượng máy bay chiến đấu mà Không quân Israel sở hữu hiện đã lên tới khoảng 700 chiếc. Ngay từ năm 2017, Israel đã đưa vào biên chế tiêm kích tàng hình F-35A. Theo kế hoạch mua sắm của Israel, đến đầu năm 2024, Israel sẽ có tổng cộng 75 chiếc F-35A.

Theo trang web "Tạp chí hải quân" của Bỉ, số lượng máy bay chiến đấu tàng hình F-35A mà Không quân Israel nhận được cho đến nay đã lên tới 39 chiếc. Ngoài ra, Israel còn có 83 máy bay chiến đấu hạng nặng F15A/B/C/D/I và 284 máy bay chiến đấu hạng nhẹ F16C/D/I đang phục vụ.

Hiện nay, nhiều máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của Không quân Israel đã đạt đến trình độ máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4+, sau khi được trang bị động cơ, hệ thống điện tử hàng không mới và vũ khí mới. Ngoài ra, Không quân Israel còn có 5 máy bay trinh sát và cảnh báo sớm trên không G550, 6 chiếc Felcon, 4 chiếc E-2

Mặc dù máy bay F-14 của Không quân Iran sử dụng thiết kế kiểu “cánh cụp, cánh xòe”, nên có khả năng cơ động rất cao; trang bị radar điều khiển hỏa lực xung Doppler AN/AWG-9, kết hợp với tên lửa không đối không AIM-54 Phoenix với tầm bắn hơn 120 km; nhưng đã tụt hậu so với tiêm kích tàng hình F-35A ngày nay.

Vì vậy, nhiều ý kiến đồng tình rằng, nếu Iran và Israel xảy ra chiến tranh, Không quân Israel với sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm và tiêm kích tàng hình F-35, sẽ dễ dàng đè bẹp Không quân Iran trong thời gian ngắn.

Mặc dù Không quân Iran hiện tại đang “suy yếu”, nhưng sau nhiều thập kỷ phát triển, Iran đã xây dựng được lực lượng tên lửa quy mô lớn và uy lực. Theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng tên lửa đạn đạo dòng "Meteor" và "Mudshi" hiện đang được Iran trang bị đã lên tới 3.000-5.000 quả.

Tầm bắn của các tên lửa đạn đạo trên của Iran là từ 200-2.000 km, có thể bao phủ hoàn toàn lãnh thổ Israel. Đánh giá tình hình trước đó, khi lực lượng vũ trang Hamas sử dụng tên lửa đạn đạo Ayash-250 để tấn công trụ sở quân sự Israel và hệ thống chống tên lửa "David's Sling" của Israel đã đánh chặn nó không hiệu quả.

Do vậy, nếu tình huống xung đột nổ ra, mặc dù Israel có thể nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ, nhưng Israel hiện không có đủ vũ khí đánh chặn để đối phó với 5.000 tên lửa của Iran trong một cuộc tấn công bão hòa bằng tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên xét từ lịch sử quân đội Mỹ từng bị tên lửa đạn đạo Scud của Iraq “áp đảo” trong Chiến tranh vùng Vịnh và Iran đã xây dựng nhiều hầm ngầm dưới lòng đất. Trong tương lai, ngay cả khi Mỹ ra tay giúp sức, thì Israel cũng sẽ phải đối mặt với mối đe dọa thực sự từ lực lượng tên lửa đạn đạo của Iran.

Hơn nữa, Iran còn phát triển thành công tên lửa siêu thanh mang tên Fatah, tên lửa này có tầm bắn xa nhất hơn 1.400 km và tốc độ bay nhanh nhất tới Mach 15. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố rằng, tên lửa siêu thanh Fatah có thể xuyên thủng tất cả các hệ thống phòng thủ chống tên lửa nào.

Nếu hiệu suất tên lửa Fatah là đúng, thì Fatah sẽ trở thành "sát thủ" của hệ thống đánh chặn tên lửa David's Sling của Israel và hệ thống phòng không Patriot-3 của Mỹ. Vì vậy, nếu xung đột quy mô lớn nổ ra giữa Iran và Israel, Iran hoàn toàn có thể sử dụng những tên lửa này để tấn công các nhà chứa máy bay và sân bay của Israel.

Ngoài ra, Iran hiện có số lượng lớn máy bay không người lái cảm tử Shahed-136, cự ly chiến đấu xa nhất của những UAV này có thể lên tới hơn 2.000 km và chi phí chế tạo chỉ 20.000 USD.

Đánh giá hiệu suất chiến đấu thực tế của UAV tự sát Shahed-136 trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nếu một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn nổ ra giữa Iran và Israel, hàng nghìn UAV Shahed-136 sẽ mang lại cho Israel “cơn đau đầu” bất thường.

Trước cuộc tấn công bất ngờ của tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tự sát của Iran, như vậy có thể kết luận, Không quân Israel không đủ tự tin để tiêu diệt Không quân Iran trong thời gian ngắn, nên lợi thế về máy bay chiến đấu của Israel chưa mang yếu tố quyết định.

Tiến Minh (theo Military Watch, Naval Magazine)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/vu-khi-bi-mat-cua-iran-khi-doi-dau-voi-khong-quan-israel-1916388.html