Vụ khách đi cà phê mang theo chim phải chứng minh nguồn gốc: Kiểm lâm Huế nói gì?

Kiểm lâm Huế nói gì về những quy định liên quan đến việc khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý.

Thông tin Hạt Kiểm lâm liên quận Thuận Hóa - Phú Xuân (TP Huế) đề nghị các chủ quán khi khách đến uống cà phê mang theo chim phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Nuôi chim trời như thế nào là hợp pháp?

Trao đổi với PV PLO, ông Ngô Hữu Phước, Trưởng phòng Pháp chế và điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp - Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cho biết hiện nay, chim trời hay động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ bằng những quy định rất cụ thể, nghiêm ngặt.

 Kiểm lâm TP Huế ra quân kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chim hoang dã.

Kiểm lâm TP Huế ra quân kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chim hoang dã.

Theo ông Phước, nếu là loài động vật được nuôi hợp pháp thì phải thuộc một trong năm nhóm nguồn gốc được pháp luật quy định sau: Khai thác từ tự nhiên hợp pháp, nhập khẩu hợp pháp, tịch thu và xử lý hợp pháp, sinh sản trong điều kiện nuôi hợp pháp hoặc mua bán, chuyển nhượng hợp pháp.

Với mỗi nhóm nguồn gốc, cơ quan kiểm lâm hoặc các cơ quan chức năng có liên quan sẽ cấp và có những loại giấy tờ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của loại chim hoặc thú đang nuôi.

Ví dụ, với loài có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên hợp pháp, kiểm lâm sở tại sẽ cung cấp cho chủ sở hữu Bản chính Đơn đề nghị phê duyệt Phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo Mẫu số 10 tại Thông tư 26/2022 quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Còn với loài có nguồn gốc từ cá thể con của động vật rừng nuôi sinh sản hợp pháp, chủ sở hữu phải thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục, ban hành kèm theo Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Trong thời hạn tối đa 3 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.

Nói về trường hợp đem theo chim đến quán cà phê, nhà hàng cần mang theo giấy tờ gì, ông Phước cho biết cá thể đó có hồ sơ hợp pháp, nghĩa là phải có bảng kê lâm sản của kiểm lâm sở tại xác nhận đó là con chim có nguồn gốc hợp pháp. Bảng kê lâm sản này phải theo mẫu quy định. Ngoài ra, một số giấy tờ của các cơ quan, ngành khác cũng được chấp nhận.

Huế chưa từng phê duyệt khai thác chim trời

Ông Ngô Hữu Phước cho biết chim chào mào, vành khuyên từ lâu trở thành thú vui nuôi dưỡng, chăm sóc của nhiều người dân nên được nuôi nhốt. Đây là một trong những loài thuộc động vật rừng thông thường, pháp luật không cấm khai thác, nuôi nhốt.

Tuy nhiên, việc khai thác thì phải được cơ quan kiểm lâm phê duyệt phương án khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên theo quy định với trình tự hồ sơ, thủ tục và quản lý chặt chẽ.

 Nam sinh ở Huế tự nguyện giao nộp chim đuôi cụt bụng đỏ quý hiếm mà mình phát hiện cho lực lượng kiểm lâm.

Nam sinh ở Huế tự nguyện giao nộp chim đuôi cụt bụng đỏ quý hiếm mà mình phát hiện cho lực lượng kiểm lâm.

"Từ trước đến nay, ở Huế chưa từng phê duyệt cho tổ chức, cá nhân nào khai thác chim trời. Chúng tôi lo nhất là việc săn bắt trái phép và mang tính tận diệt chim trời. Gần đây, chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển chim chào mào không có nguồn gốc với số lượng lên tới 900 con" - ông Phước nói.

Ông Phước cho biết thời gian qua, ngành kiểm lâm Huế đã tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu để chấp hành đúng quy định pháp luật. Tất cả các địa phương đều phải tuân thủ theo những quy định pháp luật nói trên.

"Đối với TP Huế nói chung, ngành kiểm lâm Huế nói riêng thì rất quan tâm vấn đề này, do đó chúng tôi đẩy mạnh triển khai. Chúng ta cũng tuyên truyền mang tính chất lâu dài để giúp người dân có nhận thức dần dần" - ông Phước nói.

Nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu

Trước câu hỏi về việc những cá thể chim đã được nuôi từ lâu, nay muốn chứng minh nguồn gốc hợp pháp thì thực hiện như thế nào, thì ông Ngô Hữu Phước, Trưởng phòng Pháp chế và điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp - Chi cục Kiểm lâm TP Huế, cho rằng đây là một vấn đề nan giải, ngành cần phối hợp với các ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương để sớm tìm giải pháp nhưng thực sự rất khó.

Liên quan đến việc phân biệt bảng kê lâm sản này thuộc về loại chim nào, khi các loại có hình dạng rất giống nhau, ông Phước cho rằng đây là một bài toán khó và hiện tại vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả.

Một số loài người ta có thể gắn chíp, gắn mã số nhưng loài chim hoang dã thông thường này hiện tại các đơn vị liên quan chưa thể làm được điều đó. Vậy nên khi các cơ quan chức năng khác xử lý những vụ việc liên quan như vậy thì cần phối hợp với ngành kiểm lâm để xác minh.

Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm TP HCM cho biết việc ngành Kiểm lâm Huế yêu cầu người dân không chứng minh nguồn gốc chim khi phát hiện đang nuôi, nhốt thì bị xử lý là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật theo Thông tư 26/2022 ngày 30-12-2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

"Thời gian qua, thực tế là các động vật hoang dã, chim chóc người ta ít để ý đến, nếu kiểm tra phát hiện vi phạm đều bị xử lý theo quy định. Chưa kể đến các loại chim trời cũng có nguồn lây bệnh cho các vật nuôi và con người.

Cơ quan Kiểm lâm TP.HCM cũng khuyến cáo nếu người dân muốn nuôi chim cảnh cần phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, đăng ký với các cơ quan chức năng"- vị này nói.

NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-khach-di-ca-phe-mang-theo-chim-phai-chung-minh-nguon-goc-kiem-lam-hue-noi-gi-post849942.html