Vụ homestay ở Tà Xùa (Sơn La) bị vùi lấp: Vì sao chính quyền chậm trễ xử lý sai phạm?
ManDo Homestay ở Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) bị đất đá vùi lấp vừa qua khiến 1 người thiệt mạng và 2 người chấn thương phải nhập viện.
ManDo Homestay ở Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La) bị đất đá vùi lấp vừa qua khiến 1 người thiệt mạng và 2 người chấn thương phải nhập viện là cơ sở có những hạng mục xây dựng trái phép. Vì sao, trong suốt thời gian dài, chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm?
Có sai phạm...
4 giờ ngày 10/8/2024, trên địa bàn xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng. Hàng trăm mét khối đất đá từ phía trên đỉnh núi trượt dài xuống phía taluy âm vùi lấp 3 cơ sở kinh doanh. Sau vụ sạt lở, chị Đặng Hương Giang (SN 1992) bị tử vong. 2 nạn nhân còn lại (1 người lớn, 1 trẻ nhỏ) bị thương được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cùng ngày, chính quyền địa phương đã huy động hàng trăm người hỗ trợ khắc phục hậu quả và tiến hành rà soát, di chuyển các hộ dân trong vùng nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn...
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định cơ sở lưu trú ManDo Homestay là một trong số những cơ sở kinh doanh bị thiệt hại nặng. Cơ sở này có một số hạng mục bungalow xây dựng trái phép. Ông Đoàn Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bắc Yên xác nhận nội dung này.
“Cơ sở này có một số hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng. Trong homestay có khoảng chục bungalow không có bất kỳ giấy phép xây dựng nào. Huyện vẫn đang triển khai theo Kết luận số 10 của UBND tỉnh, sẽ tiếp tục tháo dỡ các công trình sai phạm”, ông Đoàn Văn Hùng cho biết.
Trước đó, trong các ngày 6, 7/12/2023, UBND xã Tà Xùa đã làm việc và lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với chủ cơ sở này. Qua kiểm tra, xã Tà Xùa xác định, cơ sở ManDo Homestay do bà Trần Thị Loan (SN 1953, thường trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) quản lý.
Bà Loan là chủ sở hữu của 2 thửa đất số 14 và 24, tờ bản đồ số 34, tại bản Tà Xùa, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Trong đó, thửa số 14 có diện tích 1.144,7m2 (đất ở nông thôn được 300m2, đất trồng cây lâu năm 844,7m2). Còn tại thửa đất số 24 có diện tích 1.663,1m2 (đất ở nông thôn 400m2, đất trồng cây lâu năm 1.263,1m2).
Đoàn kiểm tra xác định, bà Loan đã tự ý chuyển đổi hơn 300m2 đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Tại thời điểm kiểm tra có 2 hạng mục công trình được xây dựng trên phần đất nói trên, gồm: 6 căn bungalow (xây dựng ngày 27/12/2021) và 1 sân thiền (xây dựng ngày 30/8/2022).
Hành vi trên vi phạm quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 11, Nghị định 91/2019 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Do đó, đoàn kiểm tra đã yêu cầu gia đình bà Loan chấm dứt ngay hành vi vi phạm.
Ngày 19/12/2023, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trần Thị Loan về lĩnh vực đất đai với số tiền 6,5 triệu đồng. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu trong 60 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, chủ cơ sở phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả bằng việc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm... Thế nhưng, cơ sở này vẫn ngang nhiên để cho một số hạng mục trái phép tồn tại cho đến khi bị sạt lở đất vùi lấp xảy ra (10/8) vừa qua.
Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa khẳng định nội dung trên và cho biết thêm trên địa bàn xã hiện có 49 công trình sai phạm, trong đó có ManDo Homestay. Ông Sang cho rằng, để xảy ra các sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn có phần trách nhiệm của xã. Nguyên nhân là ngay từ thời gian đầu, xã đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, để cho các cơ sở kinh doanh xây dựng rầm rộ đến mức khó kiểm soát.
Bận nên không có thời gian xử lý?
Trước đó, Báo GD&TĐ từng đăng tải loạt bài viết về những sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bắc Yên, Sơn La. Sau loạt bài viết nói trên, cuối tháng 9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã quyết định thanh tra việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với UBND huyện Bắc Yên và các đơn vị có liên quan.
Kết luận thanh tra cho thấy, từ tháng 1/2017 - 10/2022, tại huyện Bắc Yên, hầu hết các công trình xây dựng làm cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống, khu vui chơi giải trí và các công trình khác phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn các xã: Tà Xùa, Phiêng Ban, Háng Đồng, Làng Chếu đều có các vi phạm về sử dụng đất cũng như trật tự xây dựng và điều kiện kinh doanh.
Đáng chú ý, có đến 94/95 công trình làm cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống, khu vui chơi giải trí... (của 77/78 cá nhân) có vi phạm. Trong đó, 50 công trình xây dựng toàn bộ trên đất có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ; 22 công trình xây dựng gồm một phần diện tích trên đất có nguồn gốc là đất rừng phòng hộ; 9 công trình xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, đất nương rẫy... (không thuộc đất lâm nghiệp) thuộc địa bàn 3 xã: Háng Đồng, Phiêng Ban và Tà Xùa, nhưng không được chủ sử dụng đất thực hiện việc kê khai đăng ký đất đai.
Trả lời về việc vì sao các sai phạm về trật tự xây dựng chưa được giải quyết triệt để, ông Mùa A Sang cho rằng, xã đang “bận” tập trung vào việc xây dựng nông thôn mới nên “không có nhiều thời gian để xử lý”. Theo ông Sang, phần khác cũng là do các chủ cơ sở “không chịu” tháo dỡ.
“Trên địa bàn xã chưa có công trình nào được tháo dỡ triệt để, chỉ có tháo dỡ một số hạng mục thôi. Lý do là nhiều chủ cơ sở kinh doanh, homestay muốn tận dụng, xem có phương án nào giữ lại được hay không? Vì họ đầu tư số tiền lớn, yêu cầu tháo dỡ ngay thì họ không chịu. Tà Xùa đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2025, nên không có thời gian nhiều để xử lý, tổ chức cưỡng chế. Để tháo dỡ dứt điểm thì rất khó làm, vì người dân chây ỳ”, ông Sang nói.
Sau Thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La xác định những sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại huyện Bắc Yên. Trách nhiệm được xác định trước hết thuộc về tập thể lãnh đạo UBND huyện Bắc Yên, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện được giao phụ trách trong thời kỳ thanh tra. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đã yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ trên cơ sở kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân, tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh hình thức xử lý đối với cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý. UBND tỉnh Sơn La cũng kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng và đảng viên có vi phạm. Sau chỉ đạo này đã có 49 cán bộ liên quan bị xử lý trách nhiệm.