Vụ đầu độc người thân bằng xyanua: Tiền bảo hiểm kẻ thủ ác đã nhận xử lý ra sao?

Liên quan đến vụ đầu độc 4 người thân bằng xyanua ở Đồng Nai gây rúng động dư luận, nhiều người đặt câu hỏi, số tiền bảo hiểm kẻ thủ ác đã nhận được sau các vụ đầu độc sẽ được xử lý ra sao?

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về Tội giết người theo Điều 123 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo thông tin điều tra ban đầu, do mâu thuẫn với các thành viên trong gia đình, Bích đã mua xyanua để đầu độc cháu ruột là N.H.B.T (SN 2006, trú tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch).

Liên quan đến cái chết của 5 người trong gia đình, Bích đã thừa nhận dùng Xyanua đầu độc khiến 3 người tử vong, gồm chồng, 2 cháu. Lực lượng công an cũng đang làm rõ 2 trường hợp tử vong còn lại là cha ruột và con trai Bích.

Trước đó, sau khi chồng và 2 cháu ruột chết, Bích đã được hưởng 800 triệu đồng tiền bảo hiểm. Số tiền này được Bích dùng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Nguyễn Thị Hồng Bích đầu độc người thân bằng Xyanua đã bị khởi tố về hành vi giết người

Nguyễn Thị Hồng Bích đầu độc người thân bằng Xyanua đã bị khởi tố về hành vi giết người

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi đầu độc nhiều người thân trong gia đình bằng chất xyanua là tội ác không thể tha thứ. Với việc bị khởi tố về hành vi giết người, đối tượng thực hiện có thể đối diện mới mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Về cách xử lý đối với số tiền bảo hiểm mà kẻ thủ ác đã nhận được sau khi đầu độc người thân, theo Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá có được từ vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức đó đã thực hiện để sung vào ngân sách Nhà nước hoặc hoàn trả cho đối tượng bị chiếm đoạt…, nếu không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện.

Ngoài ra, khoản 6 Điều 34 Nghị định 166/2013/NĐ-CP về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng nêu rõ, trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật mà người bị cưỡng chế chưa thực hiện được ngay thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế áp dụng một trong các biện pháp: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

Bên cạnh đó, theo Điều 45 BLHS 2015, người phạm tội còn có thể bị tịch thu tài sản. Biện pháp này được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-dau-doc-nguoi-than-bang-xyanua-tien-bao-hiem-ke-thu-ac-da-nhan-xu-ly-ra-sao-post582437.antd