Vụ cháu bé rơi xuống cọc bê tông ở Đồng Tháp: Lỗi của đơn vị thi công ở mức độ nào?

Vụ cháu bé rơi xuống cọc bê tông ở Đồng Tháp không có dấu hiệu tội phạm nhưng cũng có một phần lỗi của đơn vị thi công.

Đại diện Công an tỉnh Đồng Tháp tái khẳng định, qua điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, cháu bé lọt lỗ cọc bê tông ở Đồng Tháp là vụ tai nạn lao động, không có dấu hiệu tội phạm nên không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, sự cố hy hữu này xảy ra cũng có một phần lỗi của đơn vị thi công.

Vụ cháu bé lọt xuống cọc bê tông ở Đồng Tháp có phần lỗi của đơn vị thi công

Vụ cháu bé lọt xuống cọc bê tông ở Đồng Tháp có phần lỗi của đơn vị thi công

Theo báo cáo của Công an tỉnh, cháu bé bị rơi xuống lỗ cọc bê tông ly tâm D500 tại mối MA “trụ C1-MA” (lỗ cọc đường kính 0,25m, độ sâu 35m); độ cao từ mặt đất xuống đầu cọc khoảng 3m, đường kính miệng lỗ mặt đất rộng khoảng 60cm có dạng hình phễu (hình thành do quá trình máy ép cọc).

Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và công nhân đang nghỉ trưa ăn cơm.

Thời gian đầu nghe tiếng cháu bé kêu la, cha của cháu cùng nhóm công nhân thả dây dài khoảng 5m xuống lỗ cọc bê tông để kéo cháu lên, khi kéo được khoảng 1 - 2m thì bị tuột tay, sau ít phút không còn nghe thấy cháu kêu nữa.

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an xã, Công an huyện cùng lực lượng chức năng đến hiện trường nắm tình hình vụ việc. Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ điều động lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp nhanh chóng đến hiện trường để triển khai phương án giải cứu nạn nhân (có mặt khoảng 30 phút sau khi sự việc xảy ra).

Lực lượng cứu nạn cứu hộ nhanh chóng xác định vị trí của cháu bé (đã qua đốt cọc thứ 2 và thứ 3, ở độ sâu hơn 24m), nhanh chóng triển khai bơm khí ô xy xuống phía dưới đáy trụ bê tông và triển khai các biện pháp cứu hộ.

Sau nhiều ngày nỗ lực cứu hộ nhưng do địa hình, địa chất phức tạp, phương tiện chuyên dụng cứu nạn thiếu thốn, quan sát bên trong lòng cọc có nước… đến ngày 4/1/2023, lãnh đạo UBND tỉnh đã cùng cơ quan chức năng dựa trên kết quả điều tra, thu thập được tại hiện trường và điều kiện bảo tồn sự sống, nhận định, kết luận nạn nhân đã tử vong nên chuyển sang phương án tìm kiếm và đưa thi thể nạn nhân lên mặt đất.

Kết quả khám nghiệm tử thi: Nạn nhân bị sốc chấn thương vùng đùi phải và rơi vào môi trường có nước là nguyên nhân dẫn đến tử vong.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-chau-be-roi-xuong-coc-be-tong-o-dong-thap-loi-cua-don-vi-thi-cong-o-muc-do-nao-244290.html