Vụ án tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM gây thiệt hại gần 95 tỷ

Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 16 bị can vừa bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố, với cáo buộc gây thiệt hại 94,6 tỷ đồng trong vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng, truy tố ra trước Tòa án Nhân dân TP.HCM để xét xử đối với 14 bị cáo liên quan tới các sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM).

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà và Trưởng văn phòng đại diện AIC tại TP.HCM Trần Đăng Tấn bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Bên cạnh đó, bị can Dương Hoa Xô, cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Bị can Dương Hoa Xô (bên trái) và Nguyễn Đăng Quân.

Bị can Dương Hoa Xô (bên trái) và Nguyễn Đăng Quân.

Có 8 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học; Nguyễn Viết Thạch, nguyên Trưởng ban thuộc trung tâm; Nguyễn Trần Long, chuyên viên; Trần Vinh Vũ, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý xây dựng Hồng Hà; Nguyễn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và dịch vụ tin học TP.HCM; Hồ Tấn Mạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá Đông Nam Á; Huỳnh Tấn Vĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Nguyên Châu; Đỗ Vân Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mopha.

Ngoài ra, 2 bị can khác bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là bị can Trần Thị Bình Minh và Phan Tất Thắng.

Theo cáo trạng, năm 2014, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM được phê duyệt kế hoạch chọn nhà thầu cung cấp thiết bị dự án, trong đó giai đoạn 1 có trị giá 149 tỷ đồng, giai đoạn 2 trị giá khoảng 200 tỷ đồng và giai đoạn 3 trị giá hơn 75 tỷ đồng.

Nắm bắt thông tin này, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã tiếp cận, làm quen và đề nghị ông Dương Hoa Xô cho Công ty AIC tham gia, tạo điều kiện để trúng thầu, sau đó xây dựng mức giá để hưởng lợi 40% giá trị gói thầu.

Khi triển khai giai đoạn 1 gồm 4 gói thầu vào năm 2015, Trần Mạnh Hà đến gặp, thỏa thuận với ông Xô cho Công ty AIC xây dựng lại danh mục thiết bị để đảm bảo lợi nhuận cho công ty này 40% giá trị mỗi gói thầu.

Sau khi thuê đơn vị thẩm định giá, ông Xô đã yêu cầu ra chứng thư định giá các thiết bị cần mua với 169 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

Ngoài ra, Dương Hoa Xô còn đề xuất điều chỉnh danh mục thiết bị và thời gian thực hiện giai đoạn 2 và 3 của dự án, qua đó, giá trị thiết bị toàn dự án tăng từ 425 tỷ đồng lên gần 469 tỷ đồng.

Kết quả là, Công ty AIC và các công ty được AIC chỉ định đứng tên thay đã trúng 6 gói thầu, với tổng trị giá 305,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt trúng 2 gói thầu trị giá 102 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH B.C.E Việt Nam trúng 1 gói thầu trị giá 51,86 tỷ đồng đã thanh toán 51,7 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ NEAD trúng 1 gói thầu trị giá 8,7 tỷ đồng.

Với các hành vi sai phạm liên quan tới các gói thầu trên, cơ quan tố tụng cáo buộc, các bị can đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 94 tỷ đồng.

Theo Viện Kiểm sát đánh giá, đây là vụ án được đánh giá có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm. Một số bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đây là vụ án thứ 4 bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị khởi tố để điều tra liên quan tới các sai phạm về đấu thầu trang thiết bị y tế tại một số tỉnh thành trên cả nước. Bị cáo Nhàn hiện đang bỏ trốn, bị truy nã quốc tế; song vẫn bị đưa ra xét xử vắng mặt và tuyên án tại 2 phiên tòa.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vu-an-tai-trung-tam-cong-nghe-sinh-hoc-tphcm-gay-thiet-hai-gan-95-ty-d216022.html