Vụ án Phạm Xuân Long bị quy kết cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc: Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, sự thật chưa được làm sáng tỏ

Hồ sơ vụ án thể hiện, người phạm tội bị bắt quả tang thế nhưng lời khai của những người có mặt lại không phù hợp, biên bản bắt người phạm tội quả tang mô tả về hành vi 'cưỡng đoạt tài sản' nhưng sơ đồ hiện trường lại là vụ 'cố ý gây thương tích'…

Sơ đồ hiện trường là vụ án "cố ý gây thương tích" nhưng kết luận là "cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc".

“Khớp” hồ sơ “bắt quả tang”?

Bản án sơ thẩm số 13/2018/HSST, Hội đồng xét xử TAND Quận Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội) nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Xuân Long (SN 1989, TT phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) như sau: “Khoảng 16h30 ngày 30/7/2017, tại số nhà 12 tổ 18 phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, Phạm Xuân Long có hành vi uy hiếp tinh thần, đe dọa dùng vũ lực chửi bới và đấm vào ngực bà Nguyễn Thị Bích Huệ mục đích để ép bà Huệ viết giấy nhận nợ số tiền 160 triệu đồng. Bà Huệ đã nhờ chồng báo công an phường Phú Diễn, tổ công tác của công an phường Phú Diễn đã đến nhà bà Huệ phát hiện và bắt quả tang cùng vật chứng…”.

Như vậy, hành vi phạm tội của bị cáo Long được cấp sơ thẩm nhận định là “phạm tội quả tang”. Điều này cũng được thể hiện tại Biên bản bắt người phạm tội quả tang (Bút lục – BL 16) được Công an phường Phú Diễn lập vào hồi 17h05 ngày 30/7/2017 và kết thúc vào hồi 17h55 phút cùng ngày.

Việc phạm tội quả tang được Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định là: “1… Người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (…) 3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Điều này cho thấy, pháp luật đã quy định rất rõ về tính chất kịp thời, nhanh chóng của việc bắt giữ người phạm tội quả tang. Thế nhưng, trong vụ án này, hành vi của bị cáo có thực sự là “phạm tội quả tang” như đã bị quy kết? Có rất nhiều mâu thuẫn chưa được làm sáng tỏ.

Thứ nhất, cấp sơ thẩm nhận định và biên bản bắt người phạm tội quả tang đều thể hiện, Phạm Xuân Long bị bắt vào ngày 30/7/2017. Thế nhưng, danh chỉ bản số 336 do Công an quận Bắc Từ Liêm lập (BL 55); Trích lục tiền án, tiền sự (BL 56) đều ghi: Phạm Xuân Long bị công an quận Bắc Từ Liêm bắt ngày 31/7/2017. 30 và 31 rõ ràng là 2 ngày khác nhau và đối với việc “phạm tội quả tang” như quy kết thì tính chất đã khác nhau.

Thứ hai, việc Phạm Xuân Long không bị bắt ngày 30/7 và công an phường Phú Diễn không lập biên bản bắt người phạm tội quả tang còn được thể hiện ở chính hồ sơ lấy lời khai của cơ quan điều tra. Cụ thể, tại biên bản lấy lời khai lúc 18h, 20h ngày 30/7 tại Công an phường Phú Diễn; lúc 14h ngày 31/7/2017 tại Công an quận Bắc Từ Liêm đều thể hiện Phạm Xuân Long là “người liên quan”, không có tài liệu nào cho thấy Long là người bị bắt.

Điều này cũng trùng hợp với lời khai của các nhân chứng Lê Việt Hưng, Đỗ Ngọc Hưng, Đào Đức Thắng, bị hại Nguyễn Thị Bích Huệ… khi tất cả đều xác nhận tại thời điểm xảy ra sự việc, Công an phường Phú Diễn chị mời Phạm Xuân Long cùng những người khác về trụ sở làm việc chứ chứ không hề có việc bắt giữ.

Thứ ba, nội dung “Biên bản bắt người phạm tội quả tang” mô tả hành vi cưỡng đoạt tài sản không phù hợp với Sơ đồ hiện trường vụ án lại là “cố ý gây thương tích”, mặc dù đều do ông Nguyễn Công Hưởng – công an phường Phú Diễn lập.

Nguyên tắc xác định sự thật của vụ án là nguyên tắc cơ bản, quan trọng và xuyên suốt trong toàn bộ các giai đoạn của tố tụng hình sự, những mâu thuẫn đều cần phải làm rõ để làm sáng tỏ sự thật khách quan. Thế nhưng, trong vụ án này, dường như đã có sự “lúng túng”, “khuất tất”?

Không đủ yếu tố cấu thành tội danh

Đặc trưng cơ bản của tội cưỡng đoạt tài sản là người phạm tội đã có hành vi uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm về tài sản bằng những thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho người có trách nhiệm về tài sản lo sợ mà phải giao tài sản cho người phạm tội.

Thế nhưng, diễn biến lời khai của Phạm Xuân Long, bà Huệ (bị hại), ông Hùng (chồng bà Huệ) đều cho thấy có sự thỏa thuận giữa hai bên, hứa hẹn về việc trả lãi tiền vay. Bà Huệ còn chủ động gọi chồng về để giải quyết sự việc.

Về Tội Tổ chức đánh bạc, chứng cứ duy nhất lại chỉ là một tin nhắn mà Long khai của Nguyễn Hoàng Tuấn nhắn cho Long nhưng Long không hồi âm và cũng không nhắn cho ai tiếp. Điều này hoàn toàn không đủ thuyết phục để chứng minh hành vi phạm tội của Long.

Bản án sơ thẩm còn nhận định “Phạm Xuân Long còn sử dụng điện thoại di động đánh bạc dưới hình thức nhận mua số đề của khách chơi qua tin nhắn điện thoại” Thế nhưng lại không chứng minh được người đánh đề, chủ đề?

Những điểm mâu thuẫn trên rất cần được cấp phúc thẩm xem xét thấu đáo.

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/vu-an-pham-xuan-long-bi-quy-ket-cuong-doat-tai-san-to-chuc-danh-bac-nhieu-dau-hieu-vi-pham-to-tung-su-that-chua-duoc-lam-sang-to-d92198.html