Vòng Thành Đá Trắng - Di tích thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở Nam Bộ

Theo các chuyên gia, những dữ liệu mới về khảo cổ học tại di tích Vòng Thành Đá Trắng đã dần hé mở về một giai đoạn gần như chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Bộ.

Các chuyên gia và nhà khảo cổ học khảo sát thực địa tại di tích Vòng Thành Đá Trắng ở ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Kế thừa hội thảo ngày 19/4/2022 ở công trường khai quật, ngày 11/9, tại Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì, phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Di tích Vòng Thành Đá Trắng."

Hội thảo tập trung đánh giá và nghiên cứu sâu diện mạo của Di tích Vòng Thành Đá Trắng. Di tích này đã lộ diện, là một trong số ít di tích thành cổ hiếm hoi còn tồn tại ở Nam Bộ.

Niên đại của di tích vào khoảng thế kỷ 15-16 với nhiều đặc điểm mang đậm nét của văn hóa Champa.

Vòng Thành Đá Trắng được xem là nguồn tư liệu rất quan trọng để làm rõ lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như vùng đất Nam Bộ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Đình Trung cho biết từ lâu Di tích Vòng Thành Đá Trắng đã được nhân dân Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc… biết đến.

Năm 2002, di tích lần đầu tiên được Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam khảo sát.

Kết quả nghiên cứu xác định đây là dấu vết của một di tích thành cổ đã bị phá hủy và gọi di tích này là Tường thành Đá Trắng.

Tháng 7 và 9/2007, Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) tiếp tục khảo sát di tích, do Tiến sỹ Đào Linh Côn, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ vùng Nam Bộ chủ trì.

Từ tháng 11/2022 đến tháng 8/2023, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiến hành khai quật tại di tích khảo cổ học Vòng Thành Đá Trắng có tổng diện tích 3.000 mét vuông ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Báo cáo đề dẫn, Tiến sỹ Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết tại ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, có một công trình kiến trúc dạng thành lũy quy mô lớn, xây bằng đá ong từng được ghi nhận trong Địa chí Bà Rịa-Vũng Tàu.

Từ năm 2002 đến nay, di tích được khảo sát và khai quật thăm dò tại một số vị trí để nhận diện đặc điểm kết cấu kiến trúc vòng tường đá ong và tầng văn hóa bên trong.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra có nhiều giai đoạn cư trú trên không gian này, với nhiều khung niên đại khác nhau, từ vết tích thời tiền sử (cách đây khoảng 2.000-2.500 năm trước), đến thời Chân Lạp (khoảng thế kỷ 8-10) và thời kỳ tòa thành bằng đá ong được xây dựng (thế kỷ 15-16).

Di tích để lại trên hiện trường khai quật là những tường thành xây bằng đá ong, giếng đào, những vết tích lỗ cột, khả năng là những công trình dựng bằng gỗ, những dấu vết bếp, hố rác…

Qua phân loại về đặc điểm chất liệu, loại hình, các nhà nghiên cứu xác định được phần lớn đồ gốm được tìm thấy tại di tích Vòng Thành Đá Trắng có nguồn gốc từ gốm Chămpa. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Hiện vật tìm thấy gồm nhiều loại hình và chất liệu, với công cụ đá thời tiền sử, vật dụng sinh hoạt thường nhật (đồ gốm, đất nung, công cụ, vũ khí bằng kim loại) những đồ sứ khả năng là hàng hóa thương mại, có nhiều nguồn gốc (Trung Hoa, Chămpa, Đại Việt, Thái Lan).

Tiến sỹ Nguyễn Khánh Trung Kiên nhận định những dữ liệu mới về khảo cổ học tại di tích này đã dần hé mở về một giai đoạn gần như chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam Bộ.

Nguồn tài liệu này hứa hẹn cơ hội lớn để giải mã các vấn đề văn hóa-lịch sử trước thời kỳ khẩn hoang miền đất phương Nam mà trước đây chỉ được biết đến qua ghi chép trong sử liệu, bản đồ của triều Nguyễn và các nhà truyền giáo phương Tây từ cuối thế kỷ 17 đến thế kỷ 19.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ thông tin, kết quả khai quật đã xác định rõ cấu trúc địa tầng gồm các lớp tích tụ văn hóa thuộc các thời kỳ khác nhau, hình thành chồng chéo lên nhau, thậm chí có hiện tượng lớp văn hóa ở giai đoạn sau tác động gây xáo trộn cho các tích tụ văn hóa ở giai đoạn trước do các hoạt động sinh hoạt và xây dựng (san ủi, đào-lấp bề mặt)...

Tại hội thảo, các nhà khoa học cho rằng Vòng Thành Đá Trắng hội tụ đủ tiêu chí để làm hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Gốm Đại Việt được tìm thấy tại di tích Vòng Thành Đá Trắng. (Ảnh: Huỳnh Sơn/TTXVN)

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đánh giá Vòng Thành Đá Trắng có nhiều di tích phong phú; số lượng di vật có giá trị lớn trong nghiên cứu lịch sử di tích, lịch sử khu vực.

Ông đề nghị cần bảo vệ tại chỗ, toàn vẹn khu di tích, lập hồ sơ xếp hạng cấp Quốc gia, lên kế hoạch tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường cho tổng thể di tích là các yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với khu di tích này.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sâu các lớp văn hóa, tác động lịch sử nhiều chiều đối với lịch sử ở khu vực trên các phương diện chủ nhân, niên đại, kinh tế, kỹ thuật, môi trường và chuyển biến kinh tế, xã hội…

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, Hội đồng Di sản Quốc gia cũng đồng tình và nhận định khoảng hơn 2 thập niên trở lại đây, Vòng Thành Đá Trắng là di tích xếp hạng thứ 4 về quy mô khai quật và giá trị di sản và cần được khai quật mở rộng, nghiên cứu liên ngành liên quan giữa Vòng Thành Đá Trắng và cả miền Đông Nam Bộ...

Căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay của di tích Vòng Thành Đá Trắng, trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp tại hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo hoàn chỉnh gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử./.

Theo Huỳnh Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/vong-thanh-da-trang-di-tich-thanh-co-hiem-hoi-con-ton-tai-o-nam-bo-360780.html