Vốn vay ưu đãi vẫn 'khó gần' với thanh niên
Bắt tay vào khởi nghiệp, các bạn trẻ thường phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn vay ưu đãi được coi là một trong những kênh 'cứu cánh' hiệu quả cho thanh niên. Tuy nhiên, theo thống kê, trong số trên 99 nghìn đoàn viên trong toàn tỉnh, tỷ lệ thanh niên tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình còn rất hạn chế.
Tính đến nay, Thái Nguyên có hơn 16 nghìn đoàn viên, thanh niên và người dân được vay vốn ưu đãi thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên, với tổng dư nợ trên 700 tỷ đồng. Tỷ lệ này là tương đối thấp. Mặc dù tổ chức Đoàn các cấp đã rất tích cực vào cuộc, nhưng nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế còn hạn chế, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận các kênh vay vốn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm (Chương trình 120) của Trung ương Đoàn. Tuy vậy, nguồn vốn qua các chương trình này rất hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu của lực lượng thanh niên.
Đồng chí Vũ Thị Lệ, Bí thư Huyện Đoàn Phú Bình, cho biết: Theo quy định của ngân hàng, để được vay vốn ưu đãi, người vay phải là chủ hộ và có tài sản thế chấp, trong khi thanh niên hầu hết là người trẻ sống cùng gia đình, phần lớn không phải là chủ hộ, cũng không có tài sản thế chấp. Cùng với đó, nếu có vay được vốn cũng rất khó khăn cho người khởi nghiệp bởi họ phải lo trả nợ gốc và lãi ngay trong 3-5 năm, trong khi đây là khoảng thời gian cần quan tâm phát triển sản xuất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ… công việc kinh doanh hầu như chưa có tích lũy.
Minh chứng rõ nét nhất cho những chia sẻ của đồng chí Bí thư Huyện Đoàn Phú Bình là trường hợp của anh Thái Văn Giang, chủ xưởng gia công đồ gỗ tại xã Thanh Ninh (Phú Bình). Anh Giang chia sẻ: Cách đây khoảng 3 năm, tôi có nhu cầu vay vốn để mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Do xưởng cần đầu tư nhiều máy móc nên cần số vốn rất lớn. Sau khi tìm hiểu, tôi thấy nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội rất hợp lý. Tuy nhiên, để được tiếp cận nguồn vốn này lại mất nhiều thời gian làm thủ tục và phải thế chấp tài sản.
Đối với nguồn vốn Chương trình 120 của Trung ương Đoàn, để được vay vốn, thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất - kinh doanh đối với từng dự án cụ thể, đây là khâu yếu với nhiều thanh niên nông thôn. Còn nếu muốn vay nhiều hơn, đoàn viên cần tài sản thế chấp và thủ tục giải ngân phức tạp như yêu cầu hóa đơn đỏ, hợp đồng lao động… Vì thế, nhiều người không mấy mặn mà với nguồn vốn vay này. Hệ quả là nhiều năm qua, tại các địa phương, nguồn vốn này chưa giải ngân được.
Một cơ chế ưu đãi và thông thoáng hơn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại là mong muốn của nhiều đoàn viên, thanh niên trong quá trình lập nghiệp. Anh Phương Quốc Chủ, xóm Làng Cháy, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) nói: Nhờ Đoàn Thanh niên xã tạo điều kiện, tôi được vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để trồng bưởi, đào cảnh. Tuy nhiên, mức vay trên chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu vốn của gia đình. Tôi rất mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ về vốn, thủ tục ưu đãi, nhanh gọn để thanh niên có thêm điều kiện lập thân, lập nghiệp.
Để tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, ngân hàng với các mô hình kinh tế của thanh niên có nhu cầu về vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động, chương trình tập huấn, giao lưu để mở rộng mối quan hệ và phát triển nguồn vốn; tư vấn thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới cho thanh niên; tiếp tục kết nối tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn hỗ trợ thanh niên kỹ năng lập dự án phát triển, đáp ứng yêu cầu thủ tục vay vốn, giúp thanh niên mạnh dạn lập nghiệp, tự tạo việc làm cho bản thân.
Theo đại diện lãnh đạo Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, để thanh niên dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, bên cạnh tranh thủ nguồn vốn vay từ Trung ương Đoàn, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, liên kết với các tổ chức, ngân hàng có những chính sách cho vay thông thoáng hơn. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo các cơ sở Đoàn chủ động phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thành phố xem xét có mức vốn vay phù hợp từng loại mô hình sản xuất - kinh doanh để giúp thanh niên có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.