VOBF 2025: Các doanh nghiệp thương mại điện tử tìm kiếm giải pháp 'chinh phục' kỷ nguyên AI

Với chủ đề 'Chiến thắng trong kỷ nguyên AI', Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2025 (VOBF 2025) tập trung thảo luận, trao đổi sâu rộng về cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử trong kỷ nguyên số.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, với sự phối hợp và chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2025 (VOBF 2025) với chủ đề “Chiến thắng trong kỷ nguyên AI”.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá chủ đề của Diễn đàn năm nay mang tính thời sự

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá chủ đề của Diễn đàn năm nay mang tính thời sự

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, chủ đề "Chiến thắng trong kỷ nguyên AI" của Diễn đàn năm nay mang tính thời sự, phản ánh giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ với sự phát triển đột phá của điện toán đám mây và các công nghệ nền tảng, hứa hẹn thay đổi cơ bản mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là mô hình và phương thức kinh doanh.

So với những lần tổ chức trước đó, VOBF 2025 được tổ chức với quy mô mở rộng và nội dung chuyên sâu hơn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực thương mại điện tử, đồng thời kết nối các bên trong hệ sinh thái thương mại điện tử, từ đại diện cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu, nền tảng công nghệ, doanh nghiệp lớn đến startup đổi mới sáng tạo, cùng thảo luận về những xu hướng công nghệ chủ đạo, cập nhật chính sách liên quan, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và tìm kiếm lời giải cho các bài toán trong ứng dụng AI một cách hiệu quả và phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, việc chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử tìm kiếm giải pháp ứng dụng AI một cách hiệu quả hơn

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, việc chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử tìm kiếm giải pháp ứng dụng AI một cách hiệu quả hơn

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khẳng định, AI hiện nay không còn xa lạ với các doanh nghiệp tham gia thị trường thương mại điện tử. Việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử tìm kiếm giải pháp ứng dụng AI một cách hiệu quả hơn.

Tại Diễn đàn, một số chủ đề nóng và đang nhận được nhiều sự quan tâm đã được các diễn giả và chuyên gia trao đổi, phân tích như: Hành vi người tiêu dùng trên môi trường số; AI trong quản trị, vận hành doanh nghiệp và triển khai tiếp thị trực tuyến; Ecom Playbook 2.0: Những chỉ số quan trọng giúp nhà bán tăng trưởng đột phá trên sàn Thương mại điện tử; Cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm: Gợi ý sản phẩm dựa trên hành vi và sở thích...

Tại diễn đàn, các diễn giả và chuyên gia đã tập trung trao đổi, phân tích sâu rộng về một số chủ đề đang rất "nóng" và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng

Tại diễn đàn, các diễn giả và chuyên gia đã tập trung trao đổi, phân tích sâu rộng về một số chủ đề đang rất "nóng" và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng

Cũng trong khuôn khổ VOBF 2025, VECOM đã công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2025 (EBI 2025).

Theo báo cáo, Hà Nội dẫn đầu bảng xếp hạng này với số điểm là 74,7 điểm. Theo sau là TP. Hồ Chí Minh với 73,5 điểm. Hai trung tâm kinh tế lớn này bỏ xa vị trí thứ ba là Đà Nẵng, chỉ đạt 28,1 điểm. Ở cuối bảng, Lai Châu và Điện Biên là hai địa phương có chỉ số EBI thấp nhất, lần lượt là 2,1 và 1,6 điểm.

Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 9,3 điểm. Có thể thấy, khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố còn lại là rất lớn và có sự phân hóa mạnh.

Chỉ số EBI được xây dựng trên 3 nhóm tiêu chí, bao gồm hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Việc nâng cao thứ hạng của mỗi địa phương phụ thuộc vào sự cải thiện 3 nhóm tiêu chí và các tiêu chí thành phần.

Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên VECOM thông tin về dịch vụ bưu chính chuyển phát cho thương mại điện tử, phân theo từng địa phương, đã được sử dụng trong tính toán chỉ số thương mại điện tử bán lẻ (B2C).

VOBF 2025 được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Đồng thời, Chương trình nhận được sự đồng hành thực hiện từ 4 đơn vị: Vinalink, IMGroup, DTM và Accesstrade. Trước đó, Diễn đàn cũng được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 22/4/2025. Toàn bộ chương trình diễn ra với quy mô hơn 1.500 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam và quốc tế.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vobf-2025--cac-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-tim-kiem-giai-phap--chinh-phuc--ky-nguyen-ai-139831.htm