Vợ chồng nghèo nuôi 3 con học đại học

Ở làng Sống, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy, Thanh Hóa), nhiều người biết đến gia đình ông Phạm Văn Hùng (50 tuổi) và bà Đào Thị Phương (47 tuổi)...

Phạm Thu Thủy (giữa) và người thân trong buổi Bảo vệ luận án Thạc sĩ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Phạm Thu Thủy (giữa) và người thân trong buổi Bảo vệ luận án Thạc sĩ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Vợ chồng ông đã vượt qua đói nghèo, nuôi 3 cô con gái ăn học ở các trường đại học danh tiếng của cả nước.

Chúng tôi tìm về làng Sống vào một buổi chiều hè nắng như “đổ lửa”. Mặc dù ngôi nhà của vợ chồng ông Hùng nằm nép mình trong ngõ sâu, nhưng từ trung tâm xã Cẩm Ngọc nhiều người dân đã nhiệt tình chỉ lối đi tường tận. Căn nhà cấp 4, lợp mái tôn của vợ chồng ông Hùng ngăn nắp, sạch sẽ. Mảnh vườn ở phía trước nhà không rộng, nên bà Phương chỉ trồng vài luống rau. Phía sau nhà, ông bà xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà.

Hôm ấy, ông Hùng đang đi làm chưa về. Một mình bà Phương ở nhà chăm lo đàn lợn, gà, vì bây giờ sức khỏe yếu, không làm nặng được. “Trước kia, khi chưa bị đau cột sống, hằng ngày tôi đi phụ hồ với chồng. Mỗi ngày làm lụng rất cực nhọc, nhưng cũng chỉ có mức thu nhập khoảng 120 nghìn đồng. Còn bố các cháu làm thợ xây, thì được 200 nghìn/ngày công. Bây giờ, sức khỏe tôi yếu dần, nên hằng ngày chỉ quanh quẩn với đàn lợn, gà và việc vặt trong nhà”, bà Phương tâm sự.

Ngồi trò chuyện với bà Phương, chúng tôi cảm phục ý chí, nghị lực của họ. Bởi, những năm trước kia, cuộc sống của vợ chồng bà vô cùng khốn khó, nhưng không vì thế mà các con của họ thất học. Ngược lại, cả 3 người con của ông bà nỗ lực, phấn đấu vượt khó để học tập.

“Vốn dĩ, đã sinh con một bề, gia đình lại nghèo khó, nên nhiều lúc hai vợ chồng cũng nản lắm. Rất may, các con đều chăm chỉ học hành, đã tạo động lực cho vợ chồng tôi cố gắng gồng gánh, nuôi con ăn học với mong muốn một ngày các con có cuộc sống thành đạt”, bà Phương chia sẻ.

Nhắc lại thời điểm cơ hàn nhất của gia đình, mắt bà Phương ngấn lệ và bảo rằng: “Năm 1996, vợ chồng tôi kết duyên với nhau trong điều kiện cả hai bên nội ngoại đều vô cùng khó khăn, khổ sở. Gia đình bên chồng thì đông anh, chị em. Bố anh Hùng mất sớm.

Một mình mẹ chồng tôi tần tảo, gồng gánh nuôi các con vô cùng cơ cực. Vì thế, chồng tôi chỉ học hết lớp 5 là phải nghỉ. Còn tôi, lúc bây giờ, gia cảnh càng bi đát hơn. Mẹ tôi bị bệnh tâm thần nhiều năm, nên cuộc sống gia đình như ở bên bờ vực thẳm. Năm lớp 6, tôi đã phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố công việc gia đình”.

 Bà Đào Thị Phương chăn nuôi lợn, gà ở nhà. Ảnh: TG

Bà Đào Thị Phương chăn nuôi lợn, gà ở nhà. Ảnh: TG

Ba cô con gái tài năng

Mặc dù hoàn cảnh gia đình cơ cực, nhưng vợ chồng bà Phương vẫn gắng gượng làm lụng, quyết tâm nuôi các con ăn học nên người. Trời không phụ công người, cả 3 người con của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi. Cô con gái đầu là Phạm Thu Thủy (sinh năm 1997), hiện theo học bác sĩ nội trú năm thứ 9 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Con gái thứ 2 là Phạm Thị Thu Trang (sinh năm 2003), đang học năm thứ 3, Đại học Y Dược - Đại học Quốc gia Hà Nội. Con gái út là Phạm Thị Thu Thùy (sinh năm 2005), đang theo học Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhắc đến những học sinh cũ của mình, cô Nguyễn Thị Hương - Trường THPT Dân tộc nội trú (THPT-DTNT) tỉnh Thanh Hóa là giáo viên chủ nhiệm của Phạm Thu Thủy và Phạm Thị Thùy Trang, cho biết: Phạm Thu Thủy là học sinh ưu tú của khóa 2012 - 2015. Khi mới vào trường, em đã thể hiện được rõ năng lực học tập, chăm chỉ, ngoan ngoãn và chịu khó. Trong ba năm theo học, Thủy là lớp trưởng gương mẫu, luôn cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được các kết quả cao, góp phần vào bảng thành tích vàng của nhà trường.

Bà Đào Thị Phương và 3 con gái của mình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Đào Thị Phương và 3 con gái của mình. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cũng theo cô Hương, năm lớp 11, Phạm Thu Thủy đã đoạt Huy chương Bạc môn Toán kỳ thi Festival các trường DTNT toàn quốc. Đến năm lớp 12, Thủy lại đoạt giải Ba môn Toán kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cuối năm lớp 12, em đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

“Sau khi rời Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa, Phạm Thu Thủy tiếp tục học ngành Bác sĩ Đa khoa tại Trường ĐH Y Hà Nội. Sau 6 năm học ĐH Y Hà Nội, Thủy thi đỗ Bác sĩ nội trú và đã bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ, với số điểm rất cao. Sắp tới, Thu Thủy sẽ có tấm bằng thứ 3 là Bác sĩ nội trú sau 9 năm học tập ở Hà Nội”, cô Hương chia sẻ.

Tiếp bước chị gái Phạm Thu Thủy, Phạm Thị Thùy Trang cũng là học sinh của Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa, khóa 2018 - 2021. “Thùy Trang là học sinh chăm ngoan và học giỏi. Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ làm nông nghiệp, phải nuôi ba chị em ăn học, nhưng Trang luôn nỗ lực hết mình trong thời gian 3 năm học tại trường”, cô Hương thông tin.

Con gái út của ông bà Hùng Phương là Phạm Thị Thu Thùy, theo học Trường THPT-DTNT tỉnh Thanh Hóa khóa học 2020 - 2023. Theo cô giáo chủ nhiệm Tạ Thị Thúy Chinh, Thu Thùy là nữ sinh ngoan chăm học, hiền lành, thân thiện với bạn bè, lễ phép với thầy cô. “Những năm học THPT-DTNT, Thu Thùy là học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi Toán của nhà trường. Em ấy có ý chí phấn đấu cao trong học tập và luôn đặt ra mục tiêu để cố gắng đạt được những thành tích tốt”, cô Chinh cho hay.

Thầy Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT-DTNT tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Những thành tích mà 3 chị em Thu Thủy, Thùy Trang và Thu Thùy đạt được là niềm tự hào cho bản thân các em và gia đình cũng như nhà trường. Mặc dù, các em đã rời ghế nhà trường, nhưng chúng tôi vẫn luôn dõi theo những bước đường của học sinh cũ của mình đang hướng tới”.

Bà Đào Thị Phương ngồi trò chuyện với PV Báo Giáo dục và Thời đại.

Bà Đào Thị Phương ngồi trò chuyện với PV Báo Giáo dục và Thời đại.

Còn nhiều gian nan

Mặc dù có 3 người con giỏi giang và tương lai rộng mở phía trước, thế nhưng vợ chồng ông Hùng đang phải “gánh” trên vai những nhọc nhằn, vất vả, lo toan. Bởi lẽ, nếu là gia đình có điều kiện, thì việc lo toan các khoản kinh phí để chu cấp cho 3 con ăn học hàng tháng còn “dễ thở”. Còn với điều kiện của vợ chồng ông, sinh sống ở một xã miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, thì quả là một “nặng gánh”.

Theo bà Phương, dù con gái lớn Phạm Thu Thủy đã học xong đại học, nhưng thấy con quyết tâm thi Bác sĩ nội trú và học thêm 3 năm, nên vợ chồng bà cũng chiều theo ý của con mà gắng gượng làm lụng, lo toan.

“Những nỗ lực phấn đấu của cháu Thủy sắp đến đích. Vì vậy, chúng tôi cũng có thêm động lực hơn. Mong sao con sớm hoàn thành khóa học, để ra đi làm, có điều kiện hỗ trợ bố mẹ lo cho hai em tiếp tục ăn học. Cháu Trang năm nay sắp kết thúc năm thứ 3 đại học. Chỉ còn 1 năm nữa, cháu sẽ ra trường rồi đi tìm việc làm. Đó cũng là niềm vui của vợ chồng chúng tôi”, bà Phương bộc bạch.

Nhắc lại những ngày tháng vất vả, cơ hàn nhất để có kinh phí lo cho các con ăn học, bà Phương bảo rằng, rất may mắn là gia đình bà được Nhà nước có chính sách cho vay vốn sinh viên. Nếu không được hỗ trợ từ chính sách ấy, có lẽ các con của ông bà chưa hẳn đã có điều kiện theo học đến bây giờ.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, bà Phương kể rằng: “Chỉ tính riêng khoản học phí cho cả 3 cháu, mỗi năm cũng đã tốn hơn trăm triệu đồng. Chưa kể, bố mẹ phải lo ăn uống, sinh hoạt lẫn các khoản phụ phí học tập của 3 cháu. Riêng khoản tiền học phí Bác sĩ nội trú của cháu Thủy, mỗi năm đã phải đóng 42 triệu đồng, còn Trang và Thùy, mỗi đứa một năm đóng 28 triệu đồng.

Đối với tiền ăn, chi tiêu của 3 con, mỗi tháng bố mẹ phải lo chừng 15 triệu đồng, chưa tính tiền thuê nhà trọ. Cũng biết rằng, với ngần nấy tiền, thì các con phải chi tiêu tằn tiện lắm, mới có thể trụ được ở Hà Nội. Nhiều lúc, bố mẹ rất thương các con, nhưng không còn cách nào khác, mà chỉ biết động viên 3 chị em hãy cố gắng thật nhiều”, bà Phương tâm sự.

Ông Phạm Văn Hành - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Ngọc cho biết, gia đình ông Phạm Văn Hùng và bà Đào Thị Phương là một tấm gương vươn lên trong mọi khó khăn để nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Những năm trước kia, gia đình ông bà thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, do chịu khó, chăm chỉ làm lụng và được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Nhà nước nên cuộc sống gia đình từng bước vượt khó, vươn lên.

“Dù điều kiện của gia đình đã được cải thiện, nhưng để có kinh phí trang trải cho 3 con gái đang học đại học, là chuyện không phải dễ dàng gì. Chính quyền địa phương vẫn luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các chính sách về vốn vay cho gia đình bà Phương, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế để có điều kiện lo toan, trang trải cuộc sống và kinh phí cho 3 con gái ăn học”, ông Hành thông tin.

Ba em Phạm Thu Thủy, Phạm Thị Thùy Trang và Phạm Thu Thùy là tấm gương không quản ngại khó khăn, luôn nỗ lực vượt qua những thách thức trong cuộc sống và học tập. Mặc dù, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà các em chán nản hay nhụt chí. Những năm học ở Trường THPT-DTNT tỉnh, các em đã phấn đấu trở thành gương điển hình vượt khó của nhà trường. - Thầy Phạm Anh Toàn

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vo-chong-ngheo-nuoi-3-con-hoc-dai-hoc-post684576.html