Vĩnh Phúc: tỷ lệ giảm nghèo vượt trước ba năm so với mục tiêu đặt ra

Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã vượt trước 3 năm so với mục tiêu đặt ra về giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vĩnh Phúc dưới 1,0%.

Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động luôn được quan tâm thực hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa Lương Giang.

Công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động luôn được quan tâm thực hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa Lương Giang.

Hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù

Ngày 27/5, trao đổi với PV Kinh tế và Đô thị, ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bằng nhiều giải pháp cụ thể, chương trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả ngoài mục tiêu dự kiến.

Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo do Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Ảnh minh họa Lương Giang.

Chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo do Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức. Ảnh minh họa Lương Giang.

Thống kê của Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (khái niệm tiếp cận mới nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm mạnh theo từng năm.

Cụ thể, đầu năm 2022, toàn tỉnh có 5.207 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,51%. Nhưng đến đầu năm 2023, theo kết quả điều tra, toàn tỉnh còn 3.405 hộ nghèo đa chiều, chiếm 0,99% tổng số hộ dân toàn tỉnh, toàn tỉnh giảm 1.802 hộ nghèo đa chiều, tương đương với giảm 0,52% so với đầu năm 2022.

Tất cả 9/9 địa phương địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc đều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó, 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là: Thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, thành phố Vĩnh Yên và huyện Tam Dương. Trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu giảm khoảng 400 - 500 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 0,48%, giảm 0,2% so với đầu năm 2024.

“Tỷ lệ giảm nghèo đã vượt trước 3 năm so với mục tiêu đặt ra về giảm nghèo theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo đa chiều Vĩnh Phúc dưới 1,0%.

Dự kiến đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm về mức dưới 2,5% trong tổng số hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh.” – ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc nói.

Chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm người yếu thế

Theo ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt được những kết quả tích cực trên, địa phương đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ chính xác các trường hợp gia đình khó khăn, phù hợp với từng nhóm người yếu thế.

Trong đó, gồm các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo (không còn khả năng lao động) và các hộ nghèo còn có khả năng thoát nghèo.

Các chính sách đã tập trung hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như, người cao tuổi cô đơn; người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; người mắc bệnh hiểm nghèo; trẻ em mồ côi, người đơn thân nuôi con nhỏ không có sức lao động hoặc mất khả năng lao động, để từ đó có mức thu nhập bằng mức chuẩn nghèo, giúp các hộ có hoàn cảnh đặc biệt cải thiện điều kiện sống, hướng tới mục tiêu không để người nghèo phải ở lại phía sau.

“Chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo công tác an sinh xã hội. Chính sách hướng tới mục tiêu là nâng cao phúc lợi cho người nghèo, hộ nghèo, tăng cường các khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, hộ nghèo.” – ông Vũ Anh Nam, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em nhận xét.

Công nhân lao động tại một Công ty may trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc.

Công nhân lao động tại một Công ty may trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa Sở LĐ - TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng (áp dụng tại tỉnh Vĩnh Phúc) cho người cao tuổi từ đủ 70 đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đã thực sự đi vào cuộc sống, phần nào đã góp phần hỗ trợ người cao tuổi nghèo, cận nghèo không có lương hưu và các trợ cấp khác được cải thiện đời sống.

Theo quy định của Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, thì nhóm người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được hỗ trợ hệ số 1,0 mức chuẩn trợ giúp xã hội;

Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Vĩnh Phúc không có địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Nên địa phương đã thực hiện chính sách hỗ trợ mở rộng độ tuổi người cao tuổi được thụ hưởng; mức hỗ trợ áp dụng trên tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, chính sách đã góp phần làm cho hệ thống chính sách xã hội của tỉnh ngày càng đồng bộ và hoàn thiện, với diện bao phủ không ngừng được mở rộng, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế.

Đối với các hộ nghèo còn khả năng thoát nghèo, tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành triển khai các chính sách phù hợp thông qua phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật. Đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở khu vực nông thôn, dân tộc và miền núi trong tỉnh.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-ty-le-giam-ngheo-vuot-truoc-ba-nam-so-voi-muc-tieu-dat-ra.html