Vĩnh Phúc: Huy động tối đa lực lượng, sẵn sàng cơ động tham gia ứng phó với mưa lũ

Cơn bão số 3 gây thiệt hại cho tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 20,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình sau bão mới là mối lo đối với người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tối đa lực lượng, sẵn sàng cơ động tham gia ứng phó với mưa lũ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện mưa lớn, nước sông Lô, sông Phó Đáy, sông Hồng dâng cao gây ngập úng cục bộ ở nhiều địa phương, chia cắt một số tuyến giao thông và làm hư hại lúa, hoa màu, tài sản của nhân dân.

Trước những hậu quả nghiêm trọng của bão số 3, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thành phố huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bao gồm lực lượng thường trực, dân quân cùng vật chất, phương tiện tham gia ứng phó ngập úng, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.

 Vĩnh Phúc huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bao gồm lực lượng thường trực, dân quân cùng vật chất, phương tiện tham gia ứng phó ngập úng, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.

Vĩnh Phúc huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bao gồm lực lượng thường trực, dân quân cùng vật chất, phương tiện tham gia ứng phó ngập úng, cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.

Từ chiều 9/9 đến 16h ngày 10/9, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã nỗ lực tham gia khắc phục sự cố tàu và sà lan mắc kẹt dưới chân cầu Vĩnh Phú, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; sơ tán người và tài sản cho gần 300 hộ dân tại thành phố Phúc Yên và các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch đến nơi an toàn; đắp ụ cát chống ngập tại huyện Lập Thạch; giúp nhân dân huyện Sông Lô gặt lúa, khắc phục thiệt hại do mưa bão…

Hiện nay, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nước ở thượng nguồn các sông tiếp tục đổ về sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại về tài sản, giúp người dân vượt qua mưa lũ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đã có phương án huy động tối đa lực lượng, sẵn sàng cơ động tham gia ứng phó với mưa lũ, nỗ lực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả của bão số 3.

Tình hình ngập, úng tại các địa phương

Tại huyện Sông Lô

Sáng 10/9, do ảnh hưởng của bão số 3, mực nước sông Lô dâng lên mức báo động, nước chảy xiết khiến nhiều tàu, thuyền mắc kẹt tại gầm cầu Vĩnh Phú, gây ùn tắc giao thông, uy hiếp an toàn công trình. Ngay khi sự cố xảy ra, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố.

 Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố tàu, thuyền mắc kẹt tại gầm cầu Vĩnh Phú.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ trực tiếp chỉ đạo xử lý sự cố tàu, thuyền mắc kẹt tại gầm cầu Vĩnh Phú.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ, đến 14 giờ 15 phút cùng ngày, sự cố tàu, thuyền mắc kẹt tại gầm cầu Vĩnh Phú đã được khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu lực lượng chức năng tiếp tục đánh giá tác động sự cố đối với sự an toàn của cầu; chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phân luồng, điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông. Trước mắt, cấm xe tải lưu thông qua cầu, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện tham gia giao thông. Đến 15 giờ 50 phút cùng ngày, các phương tiện xe ô tô con, xe máy đã có thể lưu thông qua cầu.

Tại huyện Vĩnh Tường

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa trung bình đến sáng 10/9 là 191 mm. Mực nước trên sông Phó Đáy dâng cao và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về.

Tuy không có thiệt hại về người, nhưng mưa bão đã gây ngập úng các thôn Việt Hưng, Việt An của xã Việt Xuân; làm tốc mái ngói, mái tôn của nhiều nhà dân và trường học; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị gãy, đổ, dập nát…

Kiểm tra công tác ứng phó mưa bão tại xã Việt Xuân,Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hà Quang Tiến đánh giá cao sự chủ động của huyện Vĩnh Tường. Đồng chí đề nghị huyện Vĩnh Tường tiếp tục theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình mưa bão, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động xây dựng phương án tổ chức di dời, sơ tán người dân khi cần thiết, rà soát nhu cầu và bố trí chỗ ở cho người dân đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản; triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.

Tại huyện Lập Thạch:

Do ảnh hưởng của bão số 3 tuyến đê giáp sông Phó Đáy, thôn Tân Lập, xã Đồng Ích có tổng số 271 hộ dân, trong đó, 31 hộ dân có nguy cơ cao bị ngập úng do mực nước sông dâng cao sau hoàn lưu bão cần phải sơ tán. Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên yêu cầu cấp ủy, chính quyền xã Đồng Ích tập trung nhân lực khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa bão gây ra; tăng cường tuyên truyền, động viên các hộ dân có nguy cơ cao bị ngập úng sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, đồng thời sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán 31 hộ dân của thôn Tân Lập có nguy cơ cao bị ngập do mực nước sông dâng cao sau hoàn lưu bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

 Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên đến thăm hỏi người dân có nhà bị ngập úng

Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên đến thăm hỏi người dân có nhà bị ngập úng

Tại huyện Yên Lạc

Hồi 16h ngày 10/9, mực nước trên sông Hồng tại trạm đo thủy văn Đại Định đã lên tới +13,45m, vượt mức báo động I là 0,05m và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh ra lệnh báo động số I trên sông Hồng cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc.

Yêu cầu các địa phương triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số I đúng quy định. Tổ chức lực lượng, thực hiện công tác tuần tra, canh gác đê theo quy định tại Thông tư số 01 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ để phát hiện, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều. Đồng thời thông báo cho nhân dân sinh sống vùng ngoài đê để chủ động sơ tán khi sự cố xảy ra.

Thanh Hoài

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vinh-phuc-huy-dong-toi-da-luc-luong-san-sang-co-dong-tham-gia-ung-pho-voi-mua-lu-post311626.html