Vĩnh biệt 'cây đại thụ' của hoạt hình Việt Nam

PGS, TS, đạo diễn, họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Ngô Mạnh Lân-người bạn của trẻ thơ, tác giả của phim hoạt hình 'Dế mèn phiêu lưu ký' và nhiều phim hoạt hình kinh điển vừa qua đời ngày 15-9, tại Hà Nội.

NSND Ngô Mạnh Lân sinh ngày 9-11-1934, tại làng Tó, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội). Năm 1950, vừa tròn 16 tuổi, ông học “Khóa Kháng chiến” (1950-1954) Trường Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tại Chiến khu Việt Bắc, do danh họa Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng.

Năm 1956, NSND Ngô Mạnh Lân là người Việt Nam đầu tiên được cử đi du học tại Trường Đại học Quốc gia Điện ảnh Liên Xô về chuyên ngành thiết kế, đạo diễn phim hoạt hình (1956-1962) và tốt nghiệp loại giỏi. Trở về nước, ông làm việc tại Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Năm 1963, bộ phim hoạt hình đầu tay của ông mang tên “Một ước mơ” gây tiếng vang lớn, góp phần tạo nền tảng cho việc sáng tác và sản xuất phim hoạt hình ở Việt Nam.

Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Mạnh Lân. Ảnh: HOÀNG VŨ.

Là người đặt nền móng và dành cả cuộc đời lao động sáng tạo cho thể loại phim hoạt hình, NSND Ngô Mạnh Lân được xem là "cây đại thụ" của hoạt hình Việt Nam với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng: “Mèo con” (1966), “Đám cưới chuột” (1968), “Thánh Gióng” (1970), “Rồng lửa Thăng Long” (1973), “Con sáo biết nói”, “Bàn tay khổng lồ” (1975), “Thạch Sanh” (1977), “Bước ngoặt” (1983), “Trê cóc” (1986), “Dế mèn phiêu lưu ký” (1989)... 17 bộ phim với phong cách thể hiện khác nhau, nhưng đều được giới chuyên môn đánh giá cao. Đi kèm là hàng loạt giải thưởng lớn nhỏ trong nước cũng như quốc tế: 3 lần giành Giải Bông sen vàng các liên hoan phim Việt Nam, Giải Bồ nông bạc Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Mamaia, Romania năm 1966, Giải Bồ câu vàng tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig, Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1971... Nhưng cao nhất là những miệt mài sáng tạo của NSND Ngô Mạnh Lân đã mang đến tiếng cười trong trẻo, niềm vui trong những ký ức của lớp lớp thiếu nhi Việt Nam.

Bên cạnh sáng tác, họa sĩ Ngô Mạnh Lân còn tham gia nghiên cứu và giảng dạy; xuất bản nhiều công trình giá trị, như: “Phim hoạt họa Việt Nam” (viết chung, Nhà xuất bản Văn Hóa, 1977), “Hoạt hình nghệ thuật thứ tám” (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, 1999). Ông được Nhà nước trao tặng học hàm Phó giáo sư năm 1991.

Thành danh với phim hoạt hình nên có thể công chúng rộng rãi chưa biết nhiều đến NSND Ngô Mạnh Lân với vai trò là họa sĩ sáng tác hội họa, đồ họa xuất sắc. Về tranh cổ động, những tác phẩm của ông, như: “Vì một thế giới tốt đẹp” (1995), “Dân giàu nước mạnh” (1996), “Uống nước nhớ nguồn” (1997)... đều giành được các giải thưởng cao của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Được đào tạo bài bản về hội họa, NSND Ngô Mạnh Lân đã vẽ nhiều tranh sơn dầu, ngoài tham gia các triển lãm chung, ông đã thực hiện 3 triển lãm cá nhân. Triển lãm gần đây mang tên “Nét thời gian” (tháng 11-2019) tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam trưng bày những ký họa, bức tranh sáng tác trong suốt 70 năm qua. Ấn tượng hơn cả là những ký họa kháng chiến quý giá từ các chuyến công tác “ba cùng” với bộ đội và nhân dân những năm 1952-1954, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Nghệ thuật hội họa của ông biểu cảm, mang chất sử thi, mạnh mẽ, táo bạo với những hiệu quả nghệ thuật tạo hình. Những bức tranh sơn dầu “Nữ dân quân ngoại thành” (1968), “Chiến sĩ Điện Biên” (2000) và nhiều bức tranh về bộ đội, dân công, phong cảnh làng quê Việt Nam... phản ánh chân thực đời sống, tô thắm tình cảm quê hương, đất nước, con người trong lòng công chúng.

Với những đóng góp không biết mệt mỏi cho nghệ thuật, ông được "Bách khoa toàn thư điện ảnh Liên Xô" ghi danh. Ông còn được tôn vinh trong Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Điện ảnh cách mạng Việt Nam năm 2008. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND năm 1997, trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

PGS, TS, đạo diễn, họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân qua đời để lại nhiều mất mát cho nghệ thuật hoạt hình và hội họa Việt Nam; để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng yêu nghệ thuật. Tấm gương lao động sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ cùng với những tác phẩm nghệ thuật giá trị để lại cho cuộc đời từ tài năng của người nghệ sĩ chân chính, tên tuổi NSND Ngô Mạnh Lân sẽ sống mãi với thời gian.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật NGUYỄN VĂN CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/vinh-biet-cay-dai-thu-cua-hoat-hinh-viet-nam-671482