Việt Nam và Ấn Độ lần đầu kết hợp làm phim
Ngày 27.8, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tổ chức hội thảo hợp tác phim ảnh giữa Ấn Độ và Việt Nam tại TP.HCM. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội xin chào Việt Nam 2024 (Nameste Vietnam Festival) diễn ra từ 25 - 31.8.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề được đặt ra như khả năng, tiềm năng và thách thức về việc hợp tác sản xuất phim giữa Ấn Độ và Việt Nam; ảnh hưởng của điện ảnh đối với sự phát triển của quốc gia.
Về việc hợp tác sản xuất phim giữa 2 nước, hội thảo đã công bố 3 dự án. Đầu tiên là tác phẩm Love in Vietnam do Captain Rahul Bali đạo diễn, kể về câu chuyện tình xuyên quốc gia giữa một cô gái người Việt và chàng trai người Ấn. Bộ phim sẽ quay tại nhiều địa phương ở Việt Nam như Đà Lạt, Đà Nẵng, Quảng Nam. Câu chuyện văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật và con người Việt Nam cũng sẽ được đưa vào phim. Phim quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Khả Ngân, Shantanu Maheshwari, Avneet Kaur...
Dự án thứ 2 là 1 phim hài và cuối cùng là 1 phim hành động được quay tại hang Sơn Đoòng, 2 dự án này đều chưa tiết lộ tên phim.
Xung quanh vấn đề hợp tác, các nhà làm phim 2 nước cho rằng điểm thuận lợi là từ trước năm 1970 phim Ấn đã quen thuộc với khán giả Việt Nam. Ê kíp người Việt hay người Ấn đều có chung sự nhiệt huyết, đam mê với nghề.
Ông H.E. Dr. Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ nhận định chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc hợp tác sản xuất các dự án phim. Việt Nam đã có những chính sách để thu hút các nhà làm phim trên thế giới đến với Việt Nam.
"Có thể nói, đối với ngành phim cần có nhiều chủ đề khác nhau, đó chính là yếu tố khiến du khách có sự thích thú để tìm hiểu, từ đó sẽ giúp cho khách du lịch tìm đến. Vấn đề chính sẽ hỗ trợ về mặt tài chính, thủ tục, kinh phí cho các nhà làm phim giúp cho các nhà làm phim tiếp cận được địa điểm quay và chúng tôi cam kết hỗ trợ điều này", ông Madan Mohan Sethi nhận định.
Nói về tiềm năng khi Việt Nam lần đầu kết hợp Ấn Độ làm phim, ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM, nhận định thị trường của Việt Nam đang phát triển rất nhanh số lượng rạp phim; số lượng phim ra rạp ngày càng tăng. Bên cạnh đó, sau đại dịch, số lượng người ra rạp cũng tăng, đây là một trong những yếu tố tiên quyết đối với một thị trường thu hút các nhà làm phim.
Theo ông Toàn, chi phí sản xuất phim ở Ấn Độ của các nước phương Tây rất thấp, đồng thời hạ tầng phát triển điện ảnh rộng khắp quốc gia, đó là lợi thế để họ thu hút được đầu tư hợp tác và sản xuất phim. Công nghệ thông tin của Ấn Độ đạt tốp đầu thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ chủ yếu ở Ấn Độ và các nền tảng phát triển mạnh, do đó, khi Việt Nam hợp tác phát hành phim sẽ giúp cho phim Việt tiếp cận được đông đảo lượt xem.
Ông Toàn gợi ý hợp tác làm phim nên hướng tới khai thác các yếu tố về tâm linh, tôn giáo vì lĩnh vực này hai quốc gia cũng có sự tương đồng; chủ đề về gia đình cũng được khán giả hai nước quan tâm.
Trước đó, tại Lễ hội Xin chào Việt Nam 2024 diễn ra vào tối 25.8 có sự hiện diện của nghệ sĩ từ Bollywood của Ấn Độ, đó là Avika Gor - nữ diễn viên chính phim "Cô dâu 8 tuổi" được khán giả Việt Nam yêu thích.
Trong khuôn khổ lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, du lịch, đường sắt, giáo dục và điện ảnh nhằm giúp người dân hai nước Việt Nam, Ấn Độ đến gần nhau hơn.
Ấn Độ đang nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một quốc gia quan trọng trong “chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Việt Nam hiện nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ, điều này được thể hiện qua sự hợp tác đa chiều giữa hai nước trong những năm gần đây.
Theo Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, một số lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp cả hai bên có thể thúc đẩy và làm việc cùng nhau gồm: nông sản - thực phẩm, vật liệu xây dựng, hóa chất, dược phẩm, thương mại tổng hợp, cơ khí máy móc, may mặc, công nghệ thông tin…
Chính phủ Ấn Độ cũng quan tâm đến khởi nghiệp nông nghiệp, đã tài trợ cho trên 1.100 công ty khởi nghiệp trong khuôn khổ chương trình Phát triển doanh nhân nông nghiệp và đổi mới (RKVY) để thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI, internet vạn vật IoT, IT và công nghệ blockchain trong nông nghiệp. Đây là những lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng hợp tác cho hai bên.
Nhân dịp này, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ cũng tổ chức ngày hội giáo dục Ấn Độ tại TP.HCM với sự tham gia của 37 trường đại học hàng đầu nước này cùng nhiều trường đại học ở Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện, các biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo giữa 2 bên cũng đã được ký kết.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/viet-nam-va-an-do-lan-dau-ket-hop-lam-phim-223124.html