Việt Nam nêu đề xuất cho sự phát triển của châu Á

Trong một thế giới đã và đang chứng kiến nhiều thay đổi nhanh chóng, khó lường, châu Á đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế và ngày càng có nhiều nỗ lực nâng cao vai trò ảnh hưởng.

Châu Á tăng trưởng năng động và ổn định

Trong hai ngày 23 và 24-5, tại Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 bởi Nikkei, tập đoàn báo chí tài chính - kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, Hội nghị Tương lai châu Á là diễn đàn tập hợp các chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, học giả từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương để cùng thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề của khu vực cũng như vai trò của châu Á trên thế giới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29

Với chủ đề “Vai trò lãnh đạo của châu Á trong một thế giới bất định”, Hội nghị thảo luận nhiều vấn đề, như: triển vọng kinh tế châu Á, hợp tác khu vực để xây dựng hệ sinh thái số, nỗ lực của châu Á trong việc đạt mục tiêu không phát thải (net-zero), vai trò của Nhật - Mỹ - Hàn đối với an ninh Đông Bắc Á và đặc biệt là triển vọng kinh tế khu vực thời gian tới trước những biến động mạnh mẽ trên thế giới.

Sau gần 3 thập kỷ tăng trưởng liên tục, kinh tế thế giới bước vào một giai đoạn khó khăn, bất trắc với nhiều rủi ro gia tăng. Đó là thách thức trong việc duy trì liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng nấc và bảo đảm yêu cầu tự chủ chiến lược của mỗi quốc gia. Thách thức trong cải cách hệ thống quản trị toàn cầu nhằm bảo đảm vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng của các nước đang phát triển. Thách thức trong quản lý hiệu quả sự phát triển của các công nghệ mới nổi, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng mới, nhằm bảo đảm an ninh, công bằng, phát triển bao trùm, thu hẹp khoảng cách phát triển. Thách thức về huy động nguồn lực trong xử lý các vấn đề toàn cầu hiện nay như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh.

Tuy nhiên, trong tổng thể bức tranh tình hình thế giới và kinh tế thế giới nhiều biến động và bất định, châu Á vẫn là một khu vực tăng trưởng năng động và ổn định. Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố hôm 16-5, Liên hiệp quốc (LHQ) đánh giá kinh tế châu Á nhìn chung tương đối lạc quan, nhất là với khu vực Đông Á (Đông Bắc Á và Đông Nam Á). Cụ thể, LHQ dự báo các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,5% trong năm sau, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng toàn cầu.

Trong khi xu hướng chính trị hóa hợp tác kinh tế, tình trạng phân tách, phân mảnh các chuỗi cung ứng có xu hướng gia tăng, châu Á vẫn là tâm điểm giao thương, là trung tâm của mạng lưới FTA và các liên kết kinh tế rộng khắp cả trong khu vực và liên khu vực. WTO dự báo châu Á sẽ đóng góp thêm 1,3% cho tăng trưởng xuất khẩu thế giới, dự báo ở mức 2,9% trong năm 2024. Khu vực tiếp tục có những hình mẫu về hiệp định thương mại tự do liên khu vực, có quy mô kinh tế lớn nhất thế giới. Châu Á cũng là khu vực tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng xanh với sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á (AZEC) của Nhật Bản, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu…

Nhìn lại quá khứ, sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, từ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 tới đại dịch Covid-19, châu Á đều vượt qua được khó khăn, hóa giải được thách thức và vươn lên mạnh mẽ hơn. Có thể khẳng định rằng, châu Á không chỉ là một cực tăng trưởng gồm những nền kinh tế quan trọng, có quy mô thị trường lớn mà đã trở thành một hình mẫu phát triển với các nhà tiên phong, dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực mới. Châu Á không chỉ nắm trong tay tương lai của mình, mà còn có khả năng tạo chuyển biến tích cực đối với triển vọng phát triển của các khu vực khác và của toàn cầu.

Đề xuất “3 bảo đảm và 3 phát huy” của Việt Nam

Làm sao tiếp tục phát huy thành quả đạt được, từ đó mở ra những cơ hội mới cho châu Á là những vấn đề mà các đại biểu tham dự hội nghị, trong đó có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, bày tỏ sự quan tâm. Phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã đưa ra nhiều sáng kiến với khu vực. Ông đề cập đến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) - một sáng kiến xanh do Nhật Bản dẫn đầu bao gồm Australia và các thành viên ASEAN, đồng thời cho biết sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ hai tại Jakarta vào tháng 8-2024 để khởi động các sáng kiến hợp tác trên toàn AZEC về công nghệ, tài chính, thể chế và nguồn nhân lực trong các lĩnh vực điện, giao thông và công nghiệp, vốn là chìa khóa cho quá trình khử carbon.

Ông cũng đề cập rằng Nhật Bản sẽ giúp các công ty khởi nghiệp AI ở Nhật Bản và ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng AI trong khu vực, với mục tiêu phát triển 100.000 chuyên gia kỹ thuật số tiên tiến trong vòng 5 năm tới. Liên quan đến Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), ông Kishida nhấn mạnh Nhật Bản chuẩn bị chiến lược kéo dài một thập kỷ để ASEAN là trung tâm ô tô xanh hơn. Ông cho biết, Nhật Bản sẽ hợp tác với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) để hoạch định chiến lược đưa ASEAN trở thành trung tâm công nghiệp cho xe hybrid, xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường khác. Theo ông Kishida, chiến lược này là để đảm bảo ASEAN duy trì vị trí trung tâm của thế giới trong ngành công nghiệp ô tô thế hệ tiếp theo.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Minh Khái đề xuất “3 bảo đảm và 3 phát huy” nhằm thúc đẩy sự phát triển và không ngừng nâng cao vai trò của châu Á trong tương lai. 3 đảm bảo bao gồm: Thứ nhất, là môi trường hòa bình, ổn định làm tiền đề cho hợp tác và phát triển; tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Hai là, lợi ích từ tự do thương mại và đầu tư được phân phối rộng khắp và bình đẳng giữa các quốc gia. Ba là, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong giải quyết các thách thức chung. Về 3 phát huy, Phó Thủ tướng kêu gọi các đối tác trong khu vực tiếp tục nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu, hiệu quả sử dụng nguồn lực nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế xanh, kinh tế số và thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, du lịch.

Với thông điệp Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ mong muốn phát huy hơn nữa vai trò “là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm” của khu vực và cộng đồng quốc tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, khẳng định bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và giảm phát thải. Nhấn mạnh dù công nghệ có hiện đại tới đâu, con người vẫn là chủ thể chính, là mục tiêu và là động lực của quá trình hợp tác và phát triển, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, bên cạnh giải quyết những vấn đề hiện tại, các nước khu vực cần quan tâm tới việc gieo mầm cho tương lai hợp tác của khu vực. Phó Thủ tướng mong muốn các nhà lãnh đạo ủng hộ, thúc đẩy các chương trình giao lưu thanh thiếu niên (như Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các đối tác ASEAN) để củng cố hiểu biết lẫn nhau và nuôi dưỡng lòng tin chiến lược cho những thế hệ kế cận.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-neu-de-xuat-cho-su-phat-trien-cua-chau-a-post577441.antd