Việt Nam - Hoa Kỳ và mối nhân duyên 'Ngày lại thêm xuân một ngày'

Trong lịch sử lập quốc gần 250 năm của Hoa Kỳ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam vào trung tuần tháng 9/2023 có lẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một vị Tổng thống xứ Cờ hoa theo lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hội đàm và thống nhất nhiều nội dung quan trọng, ra tuyên bố chung đưa mối quan hệ hai nước lên tầm cao mới: Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Sau khi Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận Việt Nam vào năm 1994, có lẽ các chuyên gia quốc tế, những nhà phân tích chính trị lạc quan nhất cũng ít người nghĩ đến việc Việt - Mỹ khép lại quá khứ hận thù và tiến tới mối quan hệ tốt đẹp hôm nay. Tiến trình đó diễn ra từ từ nhưng chắc chắn, đủ độ chín thì mối quan hệ từng bước được nâng cấp trong gần 30 năm qua.

Kể từ khi hai nước thường hóa quan hệ, cả 5 vị tổng thống gần đây của Hoa Kỳ đều thăm chính thức Việt Nam và để lại ấn tượng sâu sắc. Trong mỗi chuyến thăm, hầu hết các vị Tổng thống Hoa Kỳ đều dành thời gian gặp gỡ sinh viên, phát biểu tại các trường đại học hoặc Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Đó là những bài phát biểu thu hút sự quan tâm của công chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên của nhóm Con Nai, tháng 9/1945 (ảnh tư liệu).

Am hiểm và trân trọng văn hiến nước chủ nhà, nhiều Tổng thống Hoa Kỳ đã “lẩy” Kiều khi diễn thuyết tại Việt Nam. Tổng thống Clinton với "Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân", khi nói chuyện với sinh viên và trí thức tại Hà Nội trong chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hoa Kỳ đến nước Việt Nam thống nhất. Chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama có bài phát biểu đầy ấn tượng với sinh viên nước chủ nhà tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Trong bài phát biểu đặc sắc chứa đựng sự lạc quan và tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt - Mỹ cũng như tương lai mối quan hệ giữa hai nước, Tổng thống Barack Obama long trọng nhắc tới hai câu thơ trong bài thơ được coi như “Bản tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của nước Việt Nam: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời”. Tiếp đó, người đứng đầu Nhà Trắng dẫn lời bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao: “Từ đây người biết yêu người/ Từ đây người biết quê người”; rồi “lẩy” Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi”... Những ai có mặt trực tiếp tại sự kiện này hoặc theo dõi truyền hình đều ngập tràn niềm vui và tự hào khi vị tổng thống của một siêu cường thế giới trân trọng văn hóa và kỳ vọng sự phát triển, thịnh vượng của Việt Nam.

Với đương kim Tổng thống Joe Biden, vào tháng 7/2015, khi đang là Phó Tổng thống, trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ, ngài Joe Biden đã “lẩy” hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”... Và, ngày 11/9/2023, phát biểu trong tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng thống Joe Biden đọc hai câu Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần/ Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày”...

Thực tế cho thấy, mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thêm hiểu biết, quyết tâm trong nhận thức và hành động. Việc nâng cấp mối quan hệ lên cấp độ mới, có “nhân duyên” từ hàng trăm năm trước. Thời cận đại, đã có những mối quan hệ giao thương, qua lại chính thức của giới chức hai nhà nước. Thời hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng mối quan hệ giữa hai nước. Ngay từ năm 1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã viết lá thư đề ngày 18/6/1919 từ Paris (thủ đô nước Pháp), gửi Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Khi Thế chiến 2 bùng nổ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xác định lực lượng yêu nước của Việt Nam đứng về phe Đồng Minh, kiên quyết chống phát xít. Đầu năm 1941, Người trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Đến tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (Khóa I) của Đảng và quyết định thành lập tổ chức cách mạng có tên “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh. Danh xưng của tổ chức này là sự khẳng định tính chính danh trong lực lượng Đồng Minh chống phát xít.

Tại Tân Trào, với tầm nhìn của một vị lãnh tụ cách mạng, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và mạo hiểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân đưa một viên phi công Mỹ có tên là Shaw vượt biên giới Việt - Trung đến đại bản doanh Phi đoàn Tiêm kích 51 của Không lực 14 (đóng tại Hoa Nam, Trung Quốc), bàn giao cho phía Mỹ. Shaw là một phi công Mỹ, trong khi tấn công quân Nhật đồn trú ở Đông Dương, máy bay gặp sự cố nên Shaw phải nhảy dù xuống địa phận tỉnh Cao Bằng. Cùng với việc chăm sóc tốt, bàn giao viên phi công - điều rất có ý nghĩa với phía Mỹ, kèm với đó là một bản “Chương trình hành động” của Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc và giành được thiện cảm của chỉ huy Không đoàn Mỹ. Phía Mỹ đồng ý cử đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào để giúp đỡ Việt Minh...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại lễ đón ngày 10/9.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden tại lễ đón ngày 10/9.

Sau này, qua những hồi ức của các thành viên đội Con Nai, cho biết: Theo lẽ thường, phía Mỹ nghĩ những người đưa viên phi công đến sẽ đòi hỏi tiền thưởng hậu hĩnh, nhưng Hồ Chí Minh chỉ trình bày Việt Minh ngay từ đầu đã đứng về phía Đồng Minh chống phát xít; đề nghị phía Mỹ công nhận tổ chức Việt Minh, cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự. Đáp lại đề nghị này, tháng 7/1945, phía Mỹ đã cử đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào, hỗ trợ Việt Minh một số vũ khí, điện đài, thuốc men và huấn luyện quân sự cho lực lượng Việt Minh.

Cũng chính những thành viên đội Con nai này được giao nhiệm vụ nhảy dù xuống Hà Nội ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và tham dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều đặc biệt không chỉ với những người Mỹ có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, mà sau này, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đều đặc biệt ấn tượng với Bản Tuyên ngôn Độc lập. Trong bản tuyên ngôn lịch sử khai sinh nền độc lập và sự ra đời của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn những lời bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, qua đó khẳng định dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc...

Tiếc rằng, vì những khúc quanh và thử thách của lịch sử, mối quan hệ Việt - Mỹ đã trải qua những thăng trầm với bao đau thương không chỉ cho hai phía mà cho cả hòa bình và ổn định của thế giới. Sau khi nước Việt Nam thống nhất 20 năm, quan hệ Việt - Mỹ mới bình thường hóa và ngày càng phát triển... Gần 8 thập kỷ sau khi đội Con Nai nhảy dù xuống Tân Trào và ủng hộ Việt Minh trong những ngày mùa thu lịch sử năm 1945, quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp lên một tầm cao mới, mở ra cơ hội cho cả hai bên, góp phần vào hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới.

Trở lại chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam trong ngày 10 và 11/9/2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì lễ đón trọng thể và hội đàm với Tổng thống Joe Biden, thống nhất ra tuyên bố chung mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước: “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Thêm một minh chứng tươi đẹp về mối quan hệ Việt - Mỹ. Tại buổi tiếp và tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào trưa 11/9, món quà ý nghĩa Chủ tịch Võ Văn Thưởng tặng Tổng thống Joe Biden là cuốn sách: “Một con người, một con đường và một lịch sử: HỒ CHÍ MINH - THƯ GỬI NƯỚC MỸ”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Đây là cuốn sách được chế tác từ chất liệu đặc biệt, giấy mĩ thuật, đến bìa da, hộp gỗ đựng sách đều được làm thủ công.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong “Lời giới thiệu” cuốn sách, viết: “Đây là cuốn sách nhỏ, khiêm nhường nhưng chứa đựng một trái tim nhân ái vô bờ và một tư tưởng lớn lao của một con người vĩ đại: HỒ CHÍ MINH. Cuốn sách giới thiệu những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi nước Mỹ, từ những học sinh, những người phụ nữ, những người dân bình thường, những nhà báo tới những sĩ quan, đến thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng và Tổng thống... Những bức thư ngắn gọn trải dài trong suốt nửa thế kỷ (1919- 1969) nhưng đã dựng nên chân dung một con người vĩ đại mang tên HỒ CHÍ MINH, dựng nên một con đường chân chính và dựng nên một lịch sử kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam”.

Trần Duy Hiển

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/viet-nam-hoa-ky-va-moi-nhan-duyen-ngay-lai-them-xuan-mot-ngay-i708253/