Việt Nam đang là điểm đến của nhiều 'ông lớn' ngành ô tô thế giới

Những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Sự chuyển hướng này không chỉ phản ánh tiềm năng kinh tế ngày càng phát triển của đất nước, mà còn cho thấy những chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả của chính phủ Việt Nam.

Tại tọa đàm với các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, kinh tế số ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, tạo kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và kinh tế trong nước, thúc đẩy hợp tác công-tư.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác, tăng đầu tư vào các lĩnh vực họ có thế mạnh. Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông.

Thị trường Việt đa sắc

Các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất ô tô cho biết rất coi trọng thị trường Việt Nam. Họ đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện với chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp, nhất là về kinh tế số, kinh tế xanh, các lĩnh vực mới nổi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện của Trung Quốc như Chery, Yadea… mong muốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy điện tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu carbon kép của Việt Nam; mong muốn Việt Nam có chính sách khuyến khích để người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng xanh như: miễn thuế mua hàng, trợ cấp tiêu dùng mua xe…

Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông.

Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, công nghiệp chế tạo, hạ tầng giao thông.

Không chỉ có các nhà đầu tư sản xuất ô tô của Trung Quốc, mới đây, Tập đoàn Tan Chong (một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất tại Malaysia, sở hữu mạng lưới kinh doanh tại 16 quốc gia) vừa thông báo sẽ chính thức phân phối thương hiệu GAC tại thị trường Việt Nam. Dự kiến trong năm nay, những mẫu xe hybrid, thuần điện của GAC Aion hoặc Haobo sẽ xuất hiện và mở bán tại thị trường Việt Nam.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: “Môi trường đầu tư ở Việt Nam rất thuận lợi. Chúng ta có 8 lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách rõ ràng, nhất quán, lao động giá rẻ, vị trí địa kinh tế rất tốt”.

Nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế kết nối với nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN khác. Vị trí này giúp giảm chi phí vận chuyển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp ô tô nên Việt Nam được coi là “thỏi nam châm’ đối với các “ông lớn” trong giới sản xuất xe hơi.

Hơn nữa với lợi thế về dân số hơn 100 triệu người (thống kê năm 2023) và phần lớn là người trẻ, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam đang bùng nổ. Đây được coi là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất ô tô quốc tế muốn mở rộng thị phần và thâm nhập sâu vào thị trường ô tô Việt.

Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong nhiều năm qua, kéo theo sự gia tăng của thu nhập bình quân đầu người, qua đó nâng cao sức mua và thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm ô tô.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và logistic, bao gồm hệ thống cảng biển, đường cao tốc, và sân bay. Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ này sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sản xuất và phân phối của các hãng ô tô

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm miễn giảm thuế, hỗ trợ tài chính, và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ô tô lớn muốn đặt nhà máy sản xuất và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam.

Việt Nam không chỉ có nguồn lao động trẻ mà còn ngày càng được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cao của ngành công nghiệp ô tô. Nhiều trường đại học và trung tâm đào tạo nghề cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, giúp các nhà đầu tư dễ dàng tuyển dụng và đào tạo nhân viên, đồng thời giảm chi phí sản xuất.

Tận dụng tiềm năng để phát triển

Trong khoảng 5 năm gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 15-20%. Nhưng theo thống kê, Việt Nam mới chỉ có khoảng 50 xe ô tô trên 1.000 dân, tức vẫn thấp hơn rất nhiều so với Brunei 721 xe, Thái Lan 280 xe, Malaysia 542 xe, Singapore 176 xe… Với GDP bình quân đầu người Việt Nam đã vượt mức 4.000 đô la Mỹ, thì tỷ lệ sở hữu ô tô sẽ còn tăng nhanh hơn nữa trong các năm tới.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để công nghiệp ô tô Việt Nam thực sự phát triển, chúng ta cần phải đạt được dung lượng tiêu thụ khoảng 600.000 xe/năm.

PGS.TS Trần Sĩ Lâm và các cộng sự tại Trường Đại học Ngoại thương nhận định, thị trường Việt Nam còn dư địa rất lớn qua minh chứng nhiều công ty đa quốc gia như Toyota, Honda, Ford, Mercedes-Benz… đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng cơ sở sản xuất – lắp ráp lâu dài tại nhiều địa phương.

Việt Nam cần đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Việc thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh, phát triển các loại xe điện và xe tiết kiệm nhiên liệu không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.

Ngoài việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp ô tô. Việc hỗ trợ tài chính, cung cấp thông tin thị trường, và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nội địa hợp tác với các đối tác quốc tế sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Với quy mô dân số 100 triệu dân hiện nay và nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia đều dự báo, sức tiêu thụ của thị trường ô tô tại Việt Nam có thể sẽ đạt 1 triệu xe/năm vào đầu những năm 2030.

Việc tận dụng tốt các tiềm năng phát triển, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới. Sự hiện diện của các doanh nghiệp ô tô lớn không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao trình độ công nghệ và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam như một thị trường đa sắc và đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn ô tô hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc cân nhắc tỷ trọng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Khi FDI vào ngành ô tô chỉ đơn thuần là lắp ráp thành phẩm rồi tái xuất thì lợi ích thực tế mang lại cho kinh tế đất nước cũng như thu nhập của người dân không nhiều, lợi nhuận chính vẫn chảy ra nước ngoài.

Lê Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//xe-hoi/viet-nam-dang-la-diem-den-cua-nhieu-ong-lon-nganh-o-to-the-gioi-1099781.html