Việt Nam chọn cách tiếp khách: Đừng tạo thói quen dối trá

Quy định chung chung sẽ chỉ tạo điều kiện cho những thói quen dối trá dần được hình thành và nhân rộng...

Tạo thói quen dối trá

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng dự thảo Thông tư quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và tiếp khách trong nước của Bộ Tài chính chưa thoát được tư duy thời bao cấp.

Sự giản dị của người nước ngoài

Theo ông, kiểu quy định trên sẽ chỉ gây tốn kém công, sức, tốn kém tiền của mà không mang lại hiệu quả nhiều. Bởi lẽ, quy định chỉ là khung và người vận dụng những quy định trên sẽ luôn linh hoạt trong quá trình thực hiện.

"Tôi lấy ví dụ, Bộ Tài chính có thể đưa ra quy định mức chi tiêu tối đa cho Trưởng đoàn là khách hạng A, được ở phòng khách sạn là 5,5 triệu/người/ngày, ăn tối đa là 1,2 triệu đồng/ngày/người. Hay, đoàn hạng B, là 4,5 triệu đồng/người/ngày, tiền ăn tối đa 900 nghìn đồng/ngày/người... nhưng người thực hiện muốn là hạng A, hay hạng B, hạng C hoàn toàn không khó khăn gì.

Hoặc, đoàn khách chỉ ở một đêm, họ lại thanh toán là hai đêm. Ăn một bữa tiệc tính thành hai, ba... việc này không hiếm.

Tôi cho rằng, quy định phải hướng tới kết quả cụ thể sau mỗi cuộc tiếp khách, hội họp đó là gì chứ không phải ra quy định chung chung. Quản lý theo kiểu ra định mức đã quá lỗi thời, không còn phù hợp, thậm chí chỉ tạo điều kiện cho những thói quen dối trá dần được hình thành và nhân rộng.

Tâm lý thông thường của một cán bộ, công chức nhà nước bao giờ cũng sẽ cố gắng chi ít nhất nhưng về thanh toán lại tính giá cao nhất, còn tiền chênh lệch họ sử dụng việc khác", ông Nam lưu ý.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cho rằng, đây cũng chính là biểu hiện của tư duy "làm quan phải khác làm dân", "là cán bộ, công chức thì khác một người bình thường". Trong khi ở các nước, công chức chỉ là một nghề, ngoài nghề làm công chức thì quan chức, lãnh đạo vẫn là một công dân bình thường.

"Vì vậy, ở nước ngoài Bộ trưởng, thứ trưởng vẫn mặc quần jean, khoác ba lô, đi bộ hàng cây số để lên xe buyt, tàu điện ngầm đi làm. Những bữa ăn của họ cũng có thể là những suất ăn sang trọng nhưng cũng có khi chỉ là chiếc bánh mì, bát mì tôm. Bởi vì, họ vẫn coi họ chỉ là một người dân bình thường.

Còn ở Việt Nam lại hơi hiếm, lại là chuyện lạ. Vì ở Việt Nam, nếu thuận buồm xuôi gió, thì cứ là công chức sẽ được làm quan suốt đời. Mà đã làm quan là sẽ khác dân, làm quan là có quyền, có lộc. Là quan thì sẽ có nhiều đặc quyền, đặc lợi... nên làm quan là phải khác dân", ông Nam nói.

Tiền bạc không thể là vật ngang giá trong ngoại giao

Nhìn nhận ở góc độ khác, vị PGS cho rằng, những bữa tiệc tiếp đãi xa hoa, hoành tráng thường được người ta nói tới nhiều trong các mối quan hệ giữa doanh nghiệp với một" đối tác" có ảnh hưởng hoặc có quyền quyết định tới quyền lợi của họ. Khi đó, đồng tiền sẽ trở thành vật ngang giá, nhằm giúp họ đạt được những thỏa thuận về quyền lợi cho cả hai bên.

"Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp muốn có được dự án A, họ sẵn sàng chi hàng nghìn USD cho những bữa thết đãi như vậy, thậm chí cả những chuyến du lịch nước ngoài đắt tiền để lôi kéo "đối tác" về phía mình, để có cho bằng được dự án đó.

Đổi lại, họ cũng sẽ có cơ hội thu lợi hàng nghìn tỷ nếu lấy được những dự án như thế. Đó chỉ là bữa tiệc trao đổi quyền lợi, doanh nghiệp không thiệt, người được tiếp đón cũng không thiệt, người thiệt chỉ có nhà nước và người dân", ông Nam chỉ rõ.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, đồng tiền lại không thể xem là vật ngang giá, đặc biệt trong các mối quan hệ ngoại giao.

Đối với các mối quan hệ ngoại giao, chi nhiều chưa chắc đã thu về được nhiều. Trong giới hạn của một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, chi nhiều thậm chí còn khiến khách quốc tế thấy e ngại, thấy phản cảm nhiều hơn.

"Tôi đã đi công tác rất nhiều nước, tại đây tôi cũng được tiếp đón với nhiều mức độ, nhiều hình thức khác nhau, trọng thị có, đơn giản có... nhưng trong tất cả các bữa tiệc tôi vẫn cảm nhận được lòng hiếu khách của nước chủ nhà đối với quan khách được mời.

Chúng tôi vẫn được ăn ngon nhưng không quá dư thừa. Chúng tôi không được ăn quá nhiều món nhưng món nào khách cũng có thể ăn được. Tuyệt đối không có sự bày biện xa hoa, không có chuyện bỏ phí thức ăn.

Các cuộc làm việc cũng chỉ diễn ra tại những phòng làm việc cá nhân, được bố trí rất nhỏ gọn, đơn giản, thậm chí không hoa, không quả, chỉ có những chai nước lọc", PGS Nguyễn Văn Nam kể.

Nhìn về điều kiện của đất nước mình, vị PGS trăn trở, việc tiếp đãi nhất là ở nhiều địa phương đâu đó vẫn còn quá xa hoa, lãng phí.

Ông kể có đi công tác, hoặc đi thị sát cùng lãnh đạo về địa phương mới thấy hết được sự lãng phí, không cần thiết.

"Cứ đến ngày chúng tôi về làm việc tại địa phương là có cả đoàn lãnh đạo, cán bộ tại địa phương đó ra tận biên giới của tỉnh đón chúng tôi về. Khi làm việc xong, chúng tôi được cả một đón tiễn về.

Thậm chí, có địa phương có chuẩn bị cả đội danh dự... để chào đón đoàn. Khi đó, chính tôi còn thấy e ngại, tôi đã nói với vị lãnh đạo tỉnh đó không nên làm như vậy, vì đây là chúng tôi về làm việc, làm như vậy không phù hợp. Nhưng tôi lại nhận được câu trả lời rất nhẹ nhàng từ vị lãnh đạo đó, ông ấy nói rằng "chúng tôi phải làm như vậy, vì chúng tôi quen rồi".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/viet-nam-chon-cach-tiep-khach-dung-tao-thoi-quen-doi-tra-3347290/