Vị thuốc đặc hiệu từ rau dại vườn nhà
Một số loại rau mọc dại hoặc trồng đơn giản trong vườn như rau má, rau sam, rau hẹ... không những tốt cho sức khỏe mà còn là những vị thuốc có giá trị chữa bệnh nhất định nếu chúng ta biết dùng đúng cách.
Rau má
Đông y gọi rau má là tích tuyết thảo: loại cây mọc hoang sống dai nhờ sương tuyết ban đêm và ánh sáng ban ngày, càng nắng thì rau má không những không khô héo mà càng xanh tốt, người xưa cho rằng: “Rau má là loại cây thu hút được nhiều khí âm của đất và khí dương của trời nên bốn mùa xanh tốt”; là cây rau không cần trồng nhưng bốn mùa có thể thu hái tự nhiên. Nếu hái làm thuốc thì hái vào tháng ba âm lịch là thời điểm tốt nhất. Rau má vừa ăn sống, vừa ăn luộc, vừa nấu cháo, vừa làm sinh tố, có địa phương trong bữa cơm đãi khách mà chưa có đĩa rau má thì chủ nhà thấy còn thiếu một món ăn đặc sản của địa phương.
Rau má ngoài làm món ăn còn là vị thuốc quý. Rau má có vị đắng, hơi cay, tính mát, dùng để chữa bệnh ở gan, tỳ vị và thận. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp giải độc tiêu thũng. Điều trị viêm gan vàng da (hoàng đản) trúng thử sinh ra chứng phúc tả (tiêu chảy), say nắng, sỏi đường tiết niệu, sỏi bàng quang, đái ra máu (huyết lâm) rôm sảy mùa hè, rau má còn có tác dụng an thần giúp cho giấc ngủ sâu hơn...
Ăn sống giúp cho tỳ vị mát, tiêu thực, giải độc cua cá. Thu hái về, rửa sạch, bỏ tạp chất, phơi khô, để nơi khô ráo dùng làm thuốc. Ngày dùng 15-30g khô, 30-60g tươi.
Bài thuốc chữa đi lỵ đau bụng do trúng thử: Rau má khô 40g, mía đỏ 2 lóng nướng lên bỏ vỏ chẻ nhỏ đun chín cả hai thứ, chia 2 lần uống trong ngày trước khi ăn, uống liên tục 7 ngày.
Bài thuốc chữa đau bụng, đau lưng khi có kinh nguyệt: Rau má phơi khô tán bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15g với nước đun sôi để ấm, trước khi ăn sáng và ăn tối, uống liên tục 30 ngày.
Điều trị rôm sảy: Rau má tươi rửa sạch xay sinh tố ngày uống 30g tươi, cho thêm tý đường uống vào buổi trưa trước khi ăn.
Nếu điều trị các chứng vàng da, sỏi bàng quang, đái ra máu phải phối hợp với các vị thuốc khác.
Rau sam
Đông y gọi rau sam là mã xỉ hiện. Rau sam là loại cây mọc hoang ở ruộng, thời gian mọc từ tháng 3 âm lịch đến cuối mùa thu thì tàn lụi, một số địa phương trồng để làm dược liệu. Ở châu Á, cây mọc nhiều ở Việt Nam, phía Nam Trung Quốc, Ấn Độ, thu hoạch về rửa sạch bỏ rễ, nhúng qua nước sôi, phơi khô dùng làm thuốc. Rau sam có vị chua, tính mát, dùng để chữa bệnh ở tim, phổi, tỳ vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết tiêu độc, điều trị các chứng bệnh kiết lỵ, táo bón, chứng bạch đới của phụ nữ, mụn nhọt, đinh độc, dùng lá tươi giã nhuyễn đắp ngoài điều trị đinh độc.
Bài thuốc điều trị kiết lỵ: rau sam khô 100g, cỏ sữa 100g sắc với 400ml nước lấy 250ml chia 2 lần uống trong ngày trước khi ăn sáng và tối, uống liên tục 5 ngày.
Điều trị chứng bạch đới ở phụ nữ: rau sam tươi 500g giã nhuyễn cho 200ml nước chín vào quấy đều vắt lấy nước cho 2 quả lòng trắng trứng gà quấy đều đun sôi cho tý muối, chia 2 lần uống trong ngày, uống lúc đói. Phối hợp với một số vị thuốc khác điều trị chứng trĩ nội chảy máu rất có hiệu nghiệm.
Mùa hè hái về rửa sạch luộc làm rau ăn có tác dụng mát huyết, nhuận tràng, giải độc, người đại tràng nhiệt đại tiện táo bón, đại tiện ra máu luộc rau sam ăn hàng ngày kết quả tốt.
Rau hẹ
Đông y gọi rau hẹ, lá hẹ là cửu thái: rau hẹ trồng bốn mùa, dùng làm gia vị trong một số món ăn như sủi cảo, rán trứng, làm rau ăn có tác dụng tiêu thực, người mắc chứng trào ngược... Lá hẹ vị cay chua chát, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ dương, cố tinh, giáng khí tỳ vị, trừ nhiệt lỵ. Là vị thuốc điều trị chứng thượng phong hay hạ mã của nam giới sau khi đã cấp cứu rất có hiệu nghiệm, thu hái về rửa sạch dùng sống hoặc phơi khô.
Bài thuốc điều trị chứng thượng phong hoặc hạ mã gồm các vị thuốc bổ khí tráng dương, bổ huyết: dùng lá hẹ tươi 30g, nếu lá hẹ khô 15g.
Bài thuốc trị chứng nhiệt lỵ: lá hẹ tươi 20g, lá mơ tam thể 15g, trứng gà 1 quả quấy đều cho một tí muối chưng lên, ăn ngày 2 lần, ăn liên tục 5 ngày.
Bài thuốc bổ thận tráng dương sau khi mắc chứng thượng phong hay hạ mã: bầu dục lợn 2 quả, lá hẹ tươi 100g băm nhỏ rán chín ăn vào buổi tối trước khi ăn cơm, uống với 1 ly rượu 20ml (rượu có tác dụng dẫn thuốc) để bổ thận tráng dương.
Hạt hẹ - Đông y gọi cửu tử, phí tử: có vị cay ngọt, tính ấm, trị chứng di tinh, mộng tinh, chứng bạch đới, đau lưng, đau đầu gối do thận kém, tiểu tiện ra máu do huyết nhiệt. Ngày dùng 12-20g phối hợp với các vị thuốc khác.
Theo Sức khỏe & Đời sống