Vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước

Những ngày áp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được tổ chức trong sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Theo các đại biểu HĐND, việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội của dân, do dân, vì dân, cũng như thông điệp về một Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh: Tiếp tục đổi mới, hành động vì Nhân dân

Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV được diễn ra trong sự mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước để quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Những nội dung được xem xét tại kỳ họp không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Trong đó, việc xem xét, quyết định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa then chốt, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, rất trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, có thể thấy, dự thảo Luật lần này đã có sự hoàn thiện, nâng cao về chất lượng. Vì vậy, tôi tin tưởng và kỳ vọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua với tỷ lệ đồng thuận, tán thành cao, đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn, khơi thông nguồn lực phát triển đất nước.

Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng có nhiều nội dung chuyên sâu, tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi Luật được thông qua sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Ngoài 2 dự thảo luật quan trọng này, tôi cũng kỳ vọng khi Quốc hội thảo luận và thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ tháo gỡ được những “điểm nghẽn” và khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các chương trình. Bởi việc giải ngân chậm không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển GDP mà còn ảnh hưởng tới việc bảo đảm cuộc sống, sinh kế của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc Quốc hội tổ chức các kỳ họp bất thường để kịp thời đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn cuộc sống đã thể hiện đúng tinh thần Quốc hội của dân, do dân, vì dân, cũng như thông điệp về một Quốc hội đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của Nhân dân, góp phần đáp ứng mục tiêu vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực: Đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn

Ngay trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Năm xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, cấp bách, bảo đảm phản ứng kịp thời trước những yêu cầu đặt ra của đất nước. Điều này cho thấy sự chủ động, quyết tâm rất lớn của Quốc hội trước cử tri và Nhân dân.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã tập trung thảo luận các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn) và việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công... Đây đều là những nội dung quan trọng được các đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, kỳ vọng tháo gỡ được những "điểm nghẽn" về mặt thể chế,

Đơn cử, với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đây là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Khi được thông qua chắc chắn sẽ tạo đà tăng trưởng, tháo gỡ vướng mắc, "rào cản" để khôi phục thị trường bất động sản đã và đang bị đình trệ. Việc sớm thông qua Luật này cũng quyết định cơ chế định giá đất sẽ giúp huy động các nguồn lực của xã hội trong xây dựng cơ sở hạ tầng theo cơ chế hợp tác công tư; hay việc đấu thầu, đấu giá đất để chuyển đổi mục đích, phục vụ cho chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hay như, nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được thông qua sẽ sớm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và khắc phục được những hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Nhất là tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương được giao còn rất chậm.

Có thể nói, Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV trong những ngày đầu năm mới 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 mà còn cả nhiệm kỳ. Diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, với khối lượng công việc rất lớn và đặc biệt quan trọng đã cho thấy, Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, chủ động, quyết liệt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Me: Tiền đề vững chắc cho kinh tế - xã hội tiếp đà bứt phá.

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường với nhiều nội dung, quyết sách quan trọng có tác động sâu rộng đến đời sống người dân, được cử tri trên cả nước đặc biệt quan tâm và theo dõi. Trong đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa và quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến người dân. Đây cũng là dự án luật khó và phức tạp đã được Quốc hội đưa ra thảo luận tại 3 kỳ họp trước đây.

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) khi được thông qua, chắc chắn sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong giải quyết tồn đọng nợ xấu, các khoản nợ liên quan đến trái phiếu; tránh tình trạng lợi dụng sở hữu chéo, tăng cường minh bạch hóa, tránh yếu tố gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ dần tạo lập được thị trường tài chính minh bạch, hiệu quả, bền vững...

Việc Quốc hội tổ chức riêng một kỳ họp bàn thảo những nội dung quan trọng cho thấy được sự kỹ lưỡng, đặt chất lượng lên hàng đầu của Quốc hội trước với những vấn đề lớn, có tác động sâu rộng đến đời sống người dân. Tin rằng khi được thông qua, các đạo luật quan trọng trên sẽ tháo gỡ những "nút thắt" về thể chế, là tiền đề vững chắc cho kinh tế - xã hội của đất nước tiếp đà bứt phá.

Trần Tâm - Hải Thanh - Khánh Duy thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/vi-su-phat-trien-nhanh-ben-vung-cua-dat-nuoc-i357790/