Vì sao việc Mỹ sắp biên chế tiêm kích F-35 'ghép xác' lại đặc biệt quan trọng?
Việc biên chế Franken-Lightning, tiêm kích được chế tạo bằng cách ghép xác hai chiếc F-35 bị hư hại sẽ mở ra hướng đi mới cho việc bảo trì và sửa chữa dòng chiến đấu cơ tàng hình này.
Không quân Mỹ thông báo đã hoàn thành dự án Franken-Lightning từ việc ghép nối hai tiêm kích F-35A Lightning II bị hư hỏng và bắt đầu quá trình đưa nó vào biên chế.
Thông báo được đưa ra sau khi Aviationist hôm 26/1 công bố hình ảnh chiếc Franken-Lightning chạy trên đường băng căn cứ liên hợp Forth Worth ở bang Texas của Mỹ. Đây là nơi tập đoàn Lockheed Martin tiến hành bước kiểm định cuối cùng với chiếc tiêm kích ghép nối, trước khi cho phép nó quay lại biên chế.
Franken-Lightning về bản chất là chiếc F-35A có số hiệu sản xuất AF-211 gặp sự cố gãy càng mũi tại căn cứ không quân Hill ở bang Utah vào tháng 6/2020. Phần thân của AF-211 được ghép với mũi của tiêm kích F-35 có số hiệu sản xuất AF-27, chiếc bị cháy động cơ khi đậu ở căn cứ không quân Eglin tại bang Florida vào năm 2014.
Dự án được Văn phòng Quản lý Chương trình F-35 (JPO) tiến hành với sự hỗ trợ của Không đoàn Tiêm kích số 388 đóng ở căn cứ Hill, Tổ hợp Hậu cần Hàng không Ogden và nhà sản xuất Lockheed Martin. Không quân Mỹ cho biết đây là lần đầu tiên hai phi cơ F-35A bị hư hại được ghép thành công thành một chiếc hoàn chỉnh.
"Khi tham gia dự án, chúng tôi biết sẽ phải thực hiện nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ", Trung úy Ryan Bare thuộc Phi đoàn Không kích số 4, Không đoàn số 388, cho biết. "Dù vậy, đây cũng là cơ hội để đội kỹ sư bảo dưỡng của chúng tôi nâng cao tay nghề và tích lũy kinh nghiệm".
Đội ngũ tại căn cứ Hill đã chế tạo bộ công cụ chuyên dụng hoàn toàn mới để phục vụ dự án. Trong giai đoạn cuối của quá trình ghép xác tiêm kích, các kỹ thuật viên có rất nhiều việc cần làm, như lắp đặt lại bánh đáp, mua và lắp đặt dây đai hỗ trợ cùng bộ điều khiển, đấu nối dây điện, phục hồi buồng lái, hệ thống máy tính hàng không và ghép nối nhiều linh kiện khác.
Sau khi công việc ở căn cứ Hill hoàn tất, chiếc phi cơ đã thực hiện thành công chuyến bay kiểm tra chức năng trước khi được chuyển đến căn cứ liên hợp Forth Worth. Sau khi Lockheed Martin xác nhận nó đã vượt qua bước kiểm định cuối cùng, chiếc Franken-Lightning sẽ quay về căn cứ Hill để gia nhập biên chế của Phi đoàn số 4.
Dự án này sẽ có tác động lâu dài đối với hoạt động bảo dưỡng, vận hành các phi cơ F-35 còn lại của không quân Mỹ. Thông qua dự án, JPO sẽ có thêm thông tin để cập nhật bộ Dữ liệu Kỹ thuật Chung, tài liệu được các đội bảo trì F-35 sử dụng để lắp đặt và kiểm tra linh kiện mới.
Dự án ghép xác này cũng chỉ có chi phí dưới 6 triệu USD, ít hơn nhiều so với con số 80 triệu USD để mua mới tiêm kích F-35, giúp không quân Mỹ tiết kiệm được nhiều ngân sách.
F-35 Lightning II là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 thứ 2 của Mỹ, sau F-22 Raptor. Dòng chiến đấu cơ tàng hình này được coi là xương sống trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tương lai của Mỹ nhờ cơ chế tàng hình tiên tiến. Tiêm kích tàng hình này còn thể hiện sự lợi hại với khả năng tiếp liệu trên không, giúp mở rộng tối đa phạm vi hoạt động.
Dù là dòng tiêm kích một động cơ nhưng khả năng mang vác vũ khí của F-35 rất đáng nể, khi ở chế độ tàng hình chúng có thể mang theo 2,5 tấn, nhưng khi không ở chế độ tàng hình chúng có thể mang tối đa tới 10,5 tấn vũ khí.