Vì sao Israel tiến sát tới nơi nghi Hamas đặt trụ sở nhưng lại khó tấn công?
Quân đội Israel đang băng băng tiến gần tới trung tâm thành phố Gaza và bệnh viện Al Shifa - bệnh viện lớn nhất Dải Gaza nơi Israel cáo buộc Hamas đặt một trung tâm chỉ huy.
Israel tiến thoái lưỡng nan
Hiện, Israel vẫn chưa thông báo về kế hoạch, biện pháp thực hiện tiếp theo đối với bệnh viện Al Shifa nhưng quân đội nước này khẳng định ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch quân sự là phá hủy cơ sở hạ tầng chỉ huy của Hamas.
Động thái làm dấy lên câu hỏi Israel sẽ làm cách nào để tấn công trung tâm chỉ huy của Hamas đặt tại cơ sở trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, các cơ sở y tế và hàng nghìn người dân đang trú ẩn tại bệnh viện là đối tượng được bảo vệ.
Trao đổi với hãng tin Reuters vào ngày 9/11, một số dân thường tại thành phố Gaza cho biết xe tăng Israel hiện cách bệnh viện Al Shifa - cơ sở y tế lớn nhất Dải Gaza, khoảng 1,2km.
Trong khi đó, bệnh viện Al Shifa là nơi cứu chữa cho lượng lớn người bị thương.
Hãng tin của Anh nhận định các nỗ lực nhằm giành quyền kiểm soát bệnh viện Al Shifa của Israel, nếu xảy ra có khả năng gây thiệt mạng rất lớn tới dân thường, đồng thời vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.
Bệnh viện Al Shifa được sử dụng để đặt trung tâm chỉ huy của Hamas?
Phát ngôn viên quân đội Israel - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari đã cung cấp ảnh chụp, biểu đồ và băng ghi âm cho thấy lực lượng Hamas đang sử dụng bệnh viện Al Shifa để che giấu các trung tâm chỉ huy và cả ảnh chụp lối vào mạng lưới đường hầm rộng lớn bên dưới Dải Gaza.
“Hamas hoạt động bên trong và bên dưới bệnh viện Shifa cùng các bệnh viện khác tại Gaza”, ông Hagari cáo buộc.
Trong khi đó, nhóm vũ trang Hamas, giới chức y tế Dải Gaza và các giám đốc bệnh viện Al Shifa đã bác bỏ cáo buộc lực lượng Hamas đặt cơ sở hạ tầng quân sự bên trong hoặc bên dưới hệ thống bệnh viện.
Thậm chí, họ khẳng định sẵn sàng mời các tổ chức quốc tế thanh kiểm tra cơ sở này.
Phía Israel cũng khẳng định sẽ cung cấp bằng chứng để chứng minh cáo buộc nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa ra.
Về các quy định của luật pháp quốc tế trong chiến sự, bà Liz Throssell - phát ngôn viên Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR) cho biết: "Các bệnh viện là những tòa nhà được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế.
Tuy nhiên, tình huống đã trở nên vô cùng phức tạp khi có cáo buộc rằng các bệnh viện được sử dụng cho mục đích quân sự. Nếu là sự thực, việc này cũng vi phạm luật pháp quốc tế".
Theo bà Throssell, các cơ sở y tế được sử dụng với mục đích gây tổn hại cho đối phương sẽ mất quyền được bảo vệ đặc biệt theo quy định của luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, bà Throssell khẳng định kể cả trong trường hợp một bên tham gia chiến sự sử dụng bệnh viện cho mục đích quân sự thì bên còn lại vẫn phải tuân thủ các quy định nhân đạo quốc tế khi tiến hành hành vi thù địch nhắm vào các cơ sở y tế của đối phương.