Vì sao công chúng luôn tò mò về cuộc sống hoàng gia

Mối quan tâm của người dân về những gì diễn ra đằng sau cánh cổng cung điện xuất phát từ các câu chuyện cổ tích lẫn tâm lý tò mò cuộc sống của tầng lớp giàu có, quyền quý.

Cũng giống như người nổi tiếng trong giới giải trí, cuộc sống của thành viên đến từ các hoàng gia trên thế giới cũng là chủ đề gây tò mò, luôn thu hút sự quan tâm từ công chúng.

"Mỗi khi có tin tức mới về Hoàng tử William và Harry, tôi luôn tìm đọc, xuất phát từ niềm yêu thích cố Công nương Diana. Mẹ từng thích cô ấy đến mức ép tôi bắt chước cách ăn mặc để tham gia cuộc thi ở trường. Vì vậy, thật tự nhiên khi tôi quan tâm đến cuộc sống của hai người con. Tôi nghĩ một phần nào đó mình lớn lên cùng với hai bọn họ", Sally Kerr-Dineen (Mỹ), chia sẻ với USA Today về lý do hâm mộ Hoàng gia Anh.

Mối quan tâm lớn của người dân dành cho gia đình hoàng gia xuất phát từ những câu chuyện cổ tích được kể từ bé lẫn tâm lý tò mò về cuộc sống của tầng lớp giàu có, địa vị. Ảnh: The Guardian.

Niềm yêu thích từ truyện cổ tích

Trong bài viết Why People Are Obsessed With The Royals (tạm dịch: Tại sao mọi người lại ám ảnh về hoàng gia), giáo sư Frank Farley - nhà tâm lý học tại Đại học Temple (Mỹ) - mô tả loài người là những "động vật xã hội", thường để tâm đến cuộc sống của nhóm người nổi tiếng, quyền lực và cố bắt chước, học theo.

Ông mô tả hiện tượng này là "hành vi mang tính chất xã hội, tạo ra mối quan hệ một chiều". Theo đó, một cá nhân có thể trở nên gắn bó với những người khác mà không hề tương tác với họ.

Ngoài ra, sự quan tâm đến những gì nhà vua, nữ hoàng, công chúa, hoàng tử trải qua đằng sau cánh cổng cung điện còn xuất phát từ kỷ niệm thời thơ ấu.

"Hầu như ai cũng có mơ ước trở nên giàu có, nổi tiếng và sống hạnh phúc, có ảnh hưởng xã hội. Điều này sớm bắt đầu với những câu chuyện cổ tích chúng ta nghe từ thuở bé", tiến sĩ phân tích.

Đối với những người lớn lên với các bộ phim và truyện cổ tích của Disney, gia đình Hoàng gia Anh hay các hoàng tộc khác trên thế giới đại diện cho yếu tố giả tưởng xuất hiện ngoài đời thực.

Các câu chuyện theo mô típ Lọ Lem lấy được hoàng tử, thường dân trở thành thành viên hoàng gia luôn là chủ đề yêu thích của công chúng. Ảnh: BBC.

"Không giống như cuộc sống của hầu hết người dân, các hoàng tộc thường gắn liền với hình ảnh bóng bẩy, nhiều đặc quyền, lối sống xa hoa với vương miện, lâu đài. Những gì họ trải qua khác xa với số đông", Farley nói.

Hơn nữa, những câu chuyện đời thật được gắn mác Lọ Lem tìm được hoàng tử luôn là yếu tố khiến đám đông công chúng "phát cuồng", theo tiến sĩ Sudeepta Varma, bác sĩ tâm thần tại Trung tâm Y tế NYU’s Langone (Mỹ).

“Ai cũng thích kiểu nhân vật đi từ nghèo khó đến giàu có. Mọi người yêu thích sự sang trọng, quyền quý và đồng thời, tò mò về những thứ 'được giải cứu', đổi đời", Varma nói với HuffPost, nhắc đến những đám cưới hoàng gia có cô dâu là thường dân thường thu hút hàng triệu lượt xem trên sóng truyền hình.

Đồng cảm với các hoàng tử, công chúa

Lớp thành viên hoàng gia trẻ tuổi cũng làm tăng cảm tình của thế hệ trẻ đối với hoàng tộc.

Những nhân vật như Hoàng tử William và Công nương Kate, cặp vợ chồng Harry và Meghan đại diện cho chế độ quân chủ hiện đại, kết hợp giữa thiết lập xu hướng với phong tục văn hóa.

Hoàng gia Na Uy đứng vẫy chào người dân. Ảnh: Getty.

"Tuy nhiên, họ cũng sống cuộc sống thực, tham gia vào các nghi thức xã hội, hoạt động từ thiện giống như chúng ta. Họ kết hôn, thậm chí phá vỡ truyền thống như Harry và Megan", Wendy L. Patrick, giáo sư người Mỹ đề cập trong bài What your fascination with the royal family says about you (tạm dịch: Niềm yêu thích với các gia đình hoàng gia nói lên điều gì).

"Các bộ phim như series The Crown hay Harry and Meghan: A Royal Romance đã khắc họa cuộc sống hoàng gia theo cách thu hút thế giới. Chắc chắn nội dung đã được kịch tính hóa nhưng khán giả xem phim có thể liên tưởng đến một số cảm xúc tương tự mà họ từng trải qua, đồng thời trải nghiệm lối sống hoàng gia một cách gián tiếp trên màn ảnh", Wendy viết.

Nhưng không phải tất cả tình tiết đều bị thổi phồng quá mức. Năm 2017, Hoàng tử Harry nhận được sự đồng cảm lớn từ công chúng khi tiết lộ rằng sau 20 năm cố kìm nén, cuối cùng anh đã tìm cách điều trị để giải quyết nỗi đau mất mẹ là cố Công nương Diana.

Hoàng tử Harry hy vọng quyết định nói ra của mình sẽ giảm bớt sự kỳ thị về việc tìm kiếm sự điều trị tâm lý của rất nhiều người khác trong những tình huống tương tự.

Giáo sư Farley cũng cho rằng mối quan tâm đến hoàng gia là kết quả của sự bão hòa truyền thông, khi mức độ phủ sóng thúc đẩy sự chú ý và sự chú ý lại thúc đẩy mức độ phủ sóng nhiều hơn.

Theo tiến sĩ Donna Rockwell, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên nghiên cứu về người nổi tiếng và danh tiếng, hoàng gia còn là nơi các thành viên sống trong đó phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và truyền thống vốn lâu đời. Chính hình ảnh gia đình tôn nghiêm đó tạo cảm giác an toàn, thoải mái cho công chúng.

"Tôi nghĩ rằng khi một người trưởng thành cảm thấy mông lung, lo lắng, thì việc quan sát một thứ gì đó ổn định về mặt cấu trúc có thể giúp tạo ra sự thư giãn như hình ảnh nữ hoàng cùng các cháu chắt, con dâu quây quần bên nhau", Donna cho hay.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cong-chung-luon-to-mo-ve-cuoc-song-hoang-gia-post1191242.html