Vì sao cổ phiếu Hòa Phát và Hoa Sen cùng mất tiền tỉ?

Những lo ngại về việc ông Trump có thể sẽ đánh thuế thép và nhôm khiến cổ phiếu Hòa Phát và Hoa Sen cùng lao dốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã tuyên bố sẽ đánh thuế 25% lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ.

Theo dữ liệu của Viện Sắt thép Mỹ, các nước nhập khẩu thép lớn nhất vào Mỹ là Canada, Brazil và Mexico, tiếp theo là Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hòa Phát và Hoa Sen đều có sản phẩm tôn và thép bán sang Mỹ. Tuy nhiên, tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong doanh thu bán hàng của Hòa Phát không lớn bằng Hoa Sen.

Phiên giao dịch hôm nay 10-2, dưới sự ảnh hưởng của những tuyên bố mới nhất của ông Trump thì cổ phiếu Hòa Phát và Hoa Sen cùng lao dốc.

Cổ phiếu Hòa Phát mất 1.250 đồng, tương đương 4,69% giá trị, rớt xuống còn 25.400 đồng/cổ phiếu.

Với khối lượng đang lưu hành là 6,4 tỉ cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Hòa Phát mất gần 8.000 tỉ đồng.

Tương tự, cổ phiếu Hoa Sen mất 800 đồng (4,52% giá trị) xuống còn 16.900 đồng/cổ phiếu.

Với khối lượng đang lưu hành là 620 triệu cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Hoa Sen mất gần 500 tỉ đồng.

Theo giới phân tích, dù có ảnh hưởng từ thông tin thị trường xuất khẩu, nhưng Hòa Phát và Hoa Sen đều có doanh thu tốt tại thị trường nội địa và các thị trường xuất khẩu khác.

Trong năm qua, cả hai công ty này đều kinh doanh tốt dù thị trường thép được đánh giá là khó khăn và cạnh tranh gay gắt.

Triển vọng kinh doanh ngành thép với hai đơn vị Hòa Phát và Hoa Sen vẫn tốt trong năm 2025 khi sản lượng thép xây dựng dần hồi phục theo sự trở lại thị trường bất động sản.

Đặc biệt là các dự án đang nằm chờ năm ngoái được khơi thông pháp lý, khi các luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản có hiệu lực sớm từ giữa năm 2024. Ngoài ra, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công với các dự án trọng điểm lớn.

Ngày 24-10-2024, Bộ Công thương chính thức ra quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc (mức thuế suất từ 2,56 – 34,27%).

Việc áp dụng biện pháp bảo hộ giúp bảo vệ các nhà sản xuất nội địa trước làn sóng nhập khẩu, từ đó góp phần gia tăng sản lượng thép nội địa, củng cố cho đà phục hồi của ngành thép vào năm 2025.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-co-phieu-hoa-phat-va-hoa-sen-cung-mat-tien-ti-post833607.html