Vì sao chung cư mini nhiều rủi ro, dễ tranh chấp nhưng người dân vẫn liều mua?
Mặc dù chung cư mini có nhiều rủi ro nhưng vì giá rẻ, lại được chủ đầu tư cam kết tách sổ đỏ, nên nhiều người dân hạn hẹp về kinh tế đã 'tặc lưỡi' mua để ở.
Mới đây, vụ việc cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến dư luận không khỏi xót xa khi đã khiến 56 người tử vong. Nhiều người bày tỏ ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng cần siết chặt lại khâu cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhất là công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại các chung cư mini.
Đặc biệt, thời gian qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chung cư mini mọc lên “như nấm sau mưa”. Nhưng, đa số những tòa nhà chung cư mini đều ở vị trí giao thông không thuận lợi, nằm sâu trong ngõ hẹp và gây khó khăn cho lực lượng chữa cháy tiếp cận khi xảy ra hỏa hoạn.
Đơn cử, trên địa bàn TP. Hà Nội, loại hình “căn hộ mini” đang được quảng cáo, rao bán rầm rộ. Trên các website về bất động sản, không khó để người dân tìm mua cho mình một căn hộ giá rẻ từ vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng.
Khảo sát trên một số trang mạng không khó để bắt gặp những nhân viên môi giới căn hộ chung cư mini đang quảng cáo, giới thiệu với nội dung: “Tòa chung cư mini 7 tầng này bọn em có 35 căn hộ để bán. Căn 1 ngủ có diện tích từ 35-37m2, giá 800-900 triệu/căn. Căn 2 ngủ diện tích từ 48-50m2, giá 1,2 tỷ/căn”.
“Ở đây sẽ được cấp sổ hồng đồng sở hữu. Bây giờ bên em mới bán được 70%, còn 10 căn nữa. Khoảng 6-7 tháng bọn em mới bán hết và làm tách sổ đỏ cùng một lúc”, nhân viên môi giới cho biết.
Với những mức giá rẻ như trên, dễ hiểu khi người dân tìm mua và họ sẽ giải quyết được vấn đề nhà ở. Đặc biệt, nó phù hợp kinh tế hạn hẹp của người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không đủ điều kiện về kinh tế, tại sao người dân không tìm mua nhà ở xã hội?
Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó cho người thu nhập thấp muốn sở hữu căn nhà ở xã hội, bởi thực trạng hiện nay phân khúc này đang cung ít, cầu nhiều. Không những thế, hầu như dự án nhà ở xã hội nào trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra câu chuyện “lùm xùm” khi môi giới "thổi giá", quảng cáo mua bán nhà ở xã hội như nhà thương mại và thậm chí người giàu cũng xếp hàng đi mua nhà ở xã hội. Bởi vậy, không dễ để người thu nhập thấp có thể mua được nhà.
Vấn đề thứ hai, khách mua được chủ chung cư mini hứa hẹn, trong một khoảng thời gian nhất định, họ cam kết sẽ làm thủ tục tách sổ đỏ. Ở đây, mỗi chủ căn hộ mini sẽ được cấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng sở hữu, đồng sử dụng với các chủ căn hộ còn lại trong tòa nhà. Như vậy, nếu tòa chung cư mini có 35 căn hộ bán cho 35 người, thì sẽ có 35 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp và từng người thay nhau đứng tên trên bìa giấy chứng nhận, đồng sở hữu với những người còn lại.
Tuy nhiên, nói là như vậy, để được làm thủ tục tách sổ đỏ không hề đơn giản. Lý do bởi, trước hết, chỉ khi chủ chung cư mini bán hết 100% căn hộ thì người dân mới được làm thủ tục cấp sổ. Thứ 2, tất cả chủ căn hộ trong tòa nhà phải đồng ý đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu một người không đồng ý, việc cấp sổ sẽ không thể thực hiện được. Đấy là chưa kể đến việc, nếu chủ nhà xây dựng sai giấy phép, bị xử phạt vi phạm mà chưa khắc phục hậu quả, thì chắc chắn sẽ không được chính quyền tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng chủ căn hộ. Đấy là chưa kể đến việc một số chủ chung cư khi bán hết thì "cao chạy xa bay" theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" bỏ mặc trách nhiệm làm sổ đỏ cho người mua nhà.
Như trường hợp nhân viên môi giới ở trên quảng cáo và hứa hẹn với khách hàng, nếu mua “căn hộ mini” họ sẽ được cấp sổ đỏ đồng sở hữu sau 6-7 tháng. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là liệu sau 6-7 tháng, chủ chung cư mini này có bán hết số lượng 10 căn hộ trên hay không? Đó là chưa kể chủ chung cư mini phải xây dựng đúng giấy phép xây dựng, chủ các căn hộ đồng thuận đi làm sổ và cùng đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận, thì khách hàng mới được tách sổ đỏ. Và khi bán căn hộ chung cư mini, khách hàng lại phải làm các thủ tục chuyển nhượng tương tự cho người mua.
Ngoài ra, cũng có câu chuyện khách hàng bức xúc khi làm thủ tục tách sổ, chuyển nhượng căn hộ, thì chủ căn nhà đòi thêm tiền của khách hàng. Để được giải quyết thủ tục tục nhanh chóng, nhiều người đành “tặc lưỡi” chịu mất tiền oan.
Có thể thấy, việc mua, chuyển nhượng chung cư mini tưởng đơn giản, nhưng cực kỳ phức tạp về vấn đề pháp lý. Thế nhưng, nhiều người thu nhập thấp không có điều kiện về kinh tế với mong muốn có 1 chỗ ở ổn định, hợp với khả năng tài chính vì vậy vẫn chấp nhận đối mặt với rủi ro, khi mua và sinh sống trong những căn chung cư mini.