Vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, 3 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt 315 triệu đồng
Trong 2 năm 2023 - 2024, đã có 3 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt tổng cộng 315 triệu đồng vì vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm nói chung và bảo hiểm nhân thọ nói riêng đang là vấn đề pháp lý rất được quan tâm. Bởi lẽ, ngay từ khi tham gia vào hợp đồng, người mua bảo hiểm thường được tư vấn, dẫn dắt bởi các doanh nghiệp bán bảo hiểm hoặc đại lý.
Theo lý thuyết thông tin bất đối xứng được phát triển bởi Akerlof (1970), người tiêu dùng luôn ở thế bị động, thiếu thông tin và sự am hiểu pháp luật cũng không thể cân bằng so với doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, người tiêu dùng thường gặp rủi ro khi xảy ra tranh chấp.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, bên cạnh công tác kiểm tra, Bộ Công Thương kết hợp rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách, vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, trước đây, theo Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ phải đăng ký với cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là Bộ Công Thương trước khi áp dụng.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/10/2019, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không còn thuộc danh mục phải đăng ký tại Bộ Công Thương mà chỉ thuộc phạm vi giám sát của Bộ Tài chính theo quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-TTg ngày 13/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. "Điều này nhằm thực hiện chủ trương, nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đầu mối kiểm soát sản phẩm bảo hiểm nhân thọ tại một cơ quan là Bộ Tài chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn kinh nghiệm quốc tế" - bà Nguyễn Quỳnh Anh cho hay.
Cho đến nay, theo thông tin từ Bộ Tài chính, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH12, trong đó, tại Chương II quy định về hợp đồng bảo hiểm đã bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, minh bạch, an toàn cho các giao dịch bảo hiểm, bao gồm cả hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Ngày 2/11/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 1/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó, đã bổ sung các yêu cầu đối với quy tắc điều khoản của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp thực hiện.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, dù bảo hiểm không còn thuộc danh mục phải đăng ký với Bộ Công Thương, song dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã triển khai nhiều công việc để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như:
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dưới nhiều hình thức liên quan đến việc thực hiện và kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, đăng tải các tin, bài nhằm thông tin và khuyến cáo người tiêu dùng những điều cần lưu ý khi giao kết các loại hợp đồng theo mẫu có các điều khoản mang tính chuyên môn cao, trong đó có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Đối với công tác tiếp nhận, hỗ trợ xử lý phản ánh, khiếu nại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã công bố thông tin tổng hợp về các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được gửi tới Ủy ban nhằm cảnh báo về các lĩnh vực xảy ra nhiều tranh chấp hoặc có tranh chấp phức tạp trong từng thời kỳ; hỗ trợ, hướng dẫn người tiêu dùng chuyển đơn khiếu nại tới Cục Giám sát, bảo hiểm (Bộ Tài chính) để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật về bảo hiểm và pháp luật có liên quan.
Cùng đó, dưới góc độ quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện các đoàn kiểm tra về việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo kế hoạch đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Cụ thể, đã kiểm tra 3 doanh nghiệp trong năm 2023 và 2024. Đơn vị đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với cả 3 doanh nghiệp này với tổng số tiền phạt 315 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng; không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch; sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao dịch với người tiêu dùng có cỡ chữ nhỏ hơn quy định...
Đồng thời, "công tác kiểm tra của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng kết hợp rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc chủ động nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách, đảm bảo tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật" - bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.
Theo lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương với đầu mối là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị phối hợp trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, yêu cầu các doanh nghiệp nhanh chóng thực hiện việc rà soát, hoàn thiện các tài liệu, quy trình nội bộ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung áp dụng với người tiêu dùng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
"Trong thời gian tới, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các công ty bảo hiểm nhằm tránh phát sinh các vấn đề gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng nói riêng và sự ổn định chung của xã hội" - lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.