Vì nơi ấy là Trường Sa…

>>> Bài 1: Mãi mãi biết ơn

Đoàn công tác số 15 Quân chủng Hải quân (QCHQ) vừa hoàn thành chuyến thăm, động viên và kiểm tra các hoạt động tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân). Trước khắc nghiệt của phong ba, bão táp, quân và dân nơi đây luôn đoàn kết, vượt khó vươn lên vững chãi giữa trùng khơi, tạo cho đất liền, hậu phương niềm tin tưởng tuyệt đối vào những người giữ biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai dâng hương tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Đoàn công tác do đại tá Hoàng Lương Ngọc, Phó tham mưu trưởng QCHQ làm trưởng đoàn và đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm phó trưởng đoàn cùng trên 220 thành viên đến từ 7 tỉnh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, cựu chiến binh hải quân… đã đến thăm, động viên quân dân 5 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI/15 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.

Trước ngày xuất phát, đoàn đã đến dâng hương, tưởng niệm liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (64 liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma cách đây 35 năm). Không ai bảo ai, nước mắt cứ tuôn trào khi vào thắp hương khu mộ gió, thăm từng khu trưng bày các hiện vật còn lại của liệt sĩ đã ngã xuống, kết thành vòng tròn bất tử, thề quyết giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương…

Khúc bi tráng Gạc Ma - góp phần rèn chí thép

Ông Trần Văn Lịch, cựu chiến binh hải quân, thành viên đoàn công tác số 15, dâng nén hương Đài liệt sĩ tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xã Cam Hải Đông, H.Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa xúc động bộc bạch: “Khác với mọi thành viên, tôi đến đây dâng hương cho bạn bè của tôi đã hy sinh 35 năm trước. Với chúng tôi, khúc bi tráng Gạc Ma khẳng định rõ nhất ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc không bao giờ được phép lãng quên. Đây cũng chính là bài học lớn góp sức rèn chí thép cho quân dân huyện đảo - những người đang tiếp nối sự nghiệp giữ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Đại tá HOÀNG LƯƠNG NGỌC, Trưởng đoàn công tác số 15 nhấn mạnh, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng gồm nhiều hạng mục đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân dân cả nước. Đặc biệt, với cán bộ, chiến sĩ hải quân trong việc phát huy truyền thống, rèn chí thép, vững niềm tin, kế thừa xứng đáng sự nghiệp cha ông, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa, biển đảo Tổ quốc…

Trong suốt hải trình, ông Lịch cùng 5 cựu chiến binh được lựa chọn tham gia đoàn công tác số 15 đều trầm ngâm nhớ về một thời mà các ông đã từng gian nan, chiến đấu. Ông Lịch kể lại, lúc đó ông đang thực hiện nhiệm vụ của đặc công hải quân bảo vệ một điểm đảo của huyện đảo Trường Sa thì nghe tin đồng đội kiên cường chống lại với bão táp của hải chiến Gạc Ma.

“Và ngày 14-3-1988, 64 đồng chí của chúng tôi mãi mãi nằm lại cùng sóng nước biển Đông. Họ đã kết vòng tròn bất tử, thề quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc” - gạt nước mắt, ông Lịch vừa nói.

Trong khu tưởng niệm còn trưng bày các di vật còn lại của 64 liệt sĩ như: mũ cối bạc màu, đôi dép bộ đội, những lá thư viết vội của các liệt sĩ gửi về gia đình trước ngày các anh lên đường ra đảo.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, đến thắp hương cho cha và các đồng đội của cha tại khu mộ gió. Thiếu tá Xuân nghẹn ngào: “Thật tình cờ, tôi ra thắp hương cho cha đúng vào ngày Đoàn công tác số 15 đến dâng hương. Tôi đang công tác tại Vùng 4 Hải quân, nhiều lần đến khu tưởng niệm nhưng lần nào tôi cũng xúc động như cảm thấy cha đang dõi theo từng bước chân của mình. Tôi nguyện sẽ noi gương cha mình, quyết tâm cùng đồng đội giữ vững biển, đảo Tổ quốc”.

Xúc động lễ tưởng niệm

Hải trình đưa đoàn công tác của QCHQ đi thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 khi ngang qua vùng biển thuộc khu vực Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin đều dừng lại làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tất cả các điểm đảo, nhà giàn DK1 mà đoàn công tác ghé thăm như: Đá Thị, Cô Lin, Đá Đông A, xã đảo Sinh Tồn, TT.Trường Sa, Nhà giàn DKI/15, đại diện đoàn công tác đều biểu dương tinh thần đoàn kết của quân dân huyện đảo. Lãnh đạo đoàn công tác căn dặn quân dân phải tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân”; tiếp tục là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển…

Không ai bảo ai, hơn 220 thành viên đoàn công tác số 15 khi được thông báo lịch trình đều có mặt trên khu vực sân tàu KN491 để dự lễ vào lúc 14 giờ một ngày cuối tháng 5.

Biển Trường Sa trong xanh dưới bầu trời nắng gắt, nhưng trong đáy mắt từng thành viên đoàn công tác đều đẫm ướt khi tưởng nhớ anh linh các liệt sĩ đã nằm lại nơi sóng nước biển Đông trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Khi thượng tá Nguyễn Đức Cường, Phó viện trưởng Viện kiểm sát, Trưởng đoàn công tác Cục Chính trị Hải quân cất lời điếu tưởng niệm anh linh liệt sĩ, các thành viên trong đoàn không ai cầm được nước mắt: “Trong thời khắc thiêng liêng này, với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, đoàn công tác xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và thân mình cho độc lập của Tổ quốc; xin bày tỏ lòng kính trọng, đồng cảm và biết ơn sâu sắc với các gia đình đã hiến dâng những người con ưu tú mãi mãi ra đi cho sự trường tồn của dân tộc; để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển”.

Từng chứng kiến nhiều lễ tưởng niệm trong các hải trình công tác Trường Sa - DK1, đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác Vùng 2 trong hải trình cho rằng, gương hy sinh của anh hùng liệt sĩ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ hải quân thời kỳ mới.

Đại tá Phạm Quyết Tiến khẳng định: “Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của quân đội nhân dân, QCHQ nhân dân Việt Nam anh hùng; chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng - một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Đây chính là bài học ý nghĩa nhất, sinh động nhất trong luyện rèn chí thép, bản lĩnh kiên trung cho những người lính hải quân ngày nay”.

Thực tế cho thấy, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thềm lục địa của Tổ quốc vào những năm cuối thế kỷ XX, bão biển đã quật ngã đổ một số nhà giàn nhưng với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”, người chiến sĩ hải quân vẫn hiên ngang giữ từng cột mốc chủ quyền, thanh thản hóa thân vào sóng nước biển Đông. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, động viên, thôi thúc thế hệ hôm nay vững bước, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc từng tấc biển, điểm đảo, nhà giàn - những cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi sóng nước, để Tổ quốc mãi mãi được trường tồn đi lên.

Nguyệt Hà

Bài 2: Xây chí thép giữ chủ quyền biển đảo

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202306/vi-noi-ay-la-truong-sa-3168202/