'Ví, dặm đang trở về không gian sinh tồn'
NSND Hồng Lựu, nguyên Giám đốc Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã dành nhiều năm thổi lửa cho dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Bà chia sẻ với Thời Nay, từ sau khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ví, dặm đã ngày càng nhiều người biết đến.
Phóng viên (PV): Hiện một số loại hình nghệ thuật truyền thống bị “lép vế” trong dòng chảy hiện đại, theo bà ví, dặm có đang nằm trong số đó?
NSND Hồng Lựu: Dân ca ví, dặm ở trong lòng dân, nơi nào có người Nghệ thì ở đó có ví, dặm. Sau khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì ví, dặm càng được nhiều người biết đến, được trình diễn ở nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài. Có nhiều bạn trẻ tài năng đã và đang được mời đi nước ngoài biểu diễn. Ở trong nước, rất nhiều người con xứ Nghệ có ý thức lan tỏa, phát huy giá trị của dân ca ví, dặm.
PV: Thưa bà, trong việc tiếp nhận, ví, dặm có khó khăn hơn so các loại hình nghệ thuật khác?
NSND Hồng Lựu: Tôi phải nói rằng, so với dân ca Huế hay quan họ, thì ví, dặm không có được lời dài và khó khăn trong tiếp nhận hơn. Nhiều người có thể học và hát được quan họ, nhưng với ví, dặm thì chưa chắc. Cụ thể, ví, dặm gồm những câu đối đáp ngắn, với sự ứng tác súc tích của người đối diện nên không phải ai cũng có thể tham gia, nếu không phải là người Nghệ An, Hà Tĩnh, với phương ngữ đặc trưng.
Tuy nhiên, bản sắc riêng của ví, dặm là chất bác học, với lời hay, lời đẹp, nhưng khó “chơi”. Để tham gia cuộc chơi, giao lưu tốt, thì người chơi ví, dặm phải có sự thông minh, nhanh nhạy với khả năng ứng đối nhạy bén, có vốn liếng văn chương. Chỉ như thế thì cuộc giao lưu ví, dặm mới tạo được sức hút, gay cấn và bổ ích.
PV: Bà đã cùng chồng - NSND An Ninh tốn nhiều công phục hồi lại những trò diễn xướng dân ca xứ Nghệ. Cụ thể công việc đó như thế nào?
NSND Hồng Lựu: Chúng tôi được sinh ra ở cái nôi của dân ca ví, dặm, từ nhỏ đã biết hát và được đi biểu diễn ở nhiều nơi. Song trong lòng đều có ý thức muốn tìm hiểu thêm nữa về dân ca quê hương mình, nên ở huyện nào cũng vậy, chúng tôi đều tìm gặp các nghệ nhân, các cụ già để học hỏi thêm về ví, dặm. Rồi chúng tôi đúc rút được rằng, phần lời của các cụ chủ yếu nói về nhân tình thế thái, chuyện yêu đương đôi lứa, lời dành cho thiếu nhi quá ít. Trong khi đó, thiếu nhi là lứa tuổi tương lai của thế giới, cần được tiếp cận loại hình ví, dặm. Vậy là chúng tôi viết lời mới, viết tiểu phẩm để phục vụ các em. Đồng thời, chúng tôi lồng ghép kiến thức ở bài dạy trong môn Sử, môn Văn trên lớp của học sinh để chuyển thành các làn điệu dân ca.
Một điều nữa, ví, dặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động, sản xuất trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc chèo thuyền, thả lưới, kéo sợi, đi cấy, dệt vải… Nhưng thời hiện đại không còn hoặc rất hiếm cảnh lao động trong không gian đồng ruộng, sông nước, làng nghề... nữa. Máy móc đã thay phần nhiều công việc chân tay của người nông dân. Chúng tôi phải chuyển không gian diễn xướng lên sân khấu, dưới hình thức là những vở kịch ngắn (1 màn) đến kịch dài (4 màn), từ những đề tài dân gian, truyền thống đến lịch sử, hiện đại. Vợ chồng tôi cũng khá ăn ý trong việc phục dựng một số làn điệu ví phường vải, ví phường cấy… Hình thức đưa dân ca ví, dặm lên sân khấu vừa làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đồng thời, vừa làm nhiệm vụ cải biên, phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời hiện đại. Thật mừng là từ đó, những buổi biểu diễn đã trở thành các buổi sinh hoạt thường xuyên trong cộng đồng, lan tỏa đến nhiều huyện ở Nghệ An. Ở nhiều vùng quê, ví, dặm đã được trở về “không gian sinh tồn” của nó.
PV: Việc đưa ví, dặm vào trường hẳn cũng đã thu được những kết quả tốt?
NSND Hồng Lựu: Đúng vậy. Từ 10 năm qua thì ngành giáo dục Nghệ An đã đưa dân ca vào trường học theo chương trình ngoại khóa và được học sinh rất nhiệt tình ủng hộ. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức, đã dạy thử nghiệm tại một số trường mầm non, tiểu học, THCS trong tỉnh, tiến tới nhân rộng mô hình. Hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp các câu lạc bộ dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn âm nhạc của các trường, để từ đó dạy lại cho học sinh. Vui nữa là hai năm một lần, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Liên hoan hát dân ca trong các trường phổ thông toàn tỉnh. Điều này đã tạo thành phong trào hát dân ca rộng khắp, góp phần không nhỏ trong bảo tồn và phát huy giá trị dân ca xứ Nghệ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/post-786295.html