Về vùng đất Anh hùng với lòng biết ơn vô hạn
Bước sang tuổi 39 của Báo Pháp luật Việt Nam, năm thứ 17 của hành trình, chúng tôi nhận ra một điều, dù lịch trình của chuyến đi vẫn vậy, vẫn mang trong trái tim mình căng tràn tình yêu là lòng biết ơn, nhưng chúng tôi đã đi bằng một tâm thế khác...
Thêm một lần, tôi cùng các đồng nghiệp lại ghi vào nhật ký phóng viên những dòng chữ nhiều cảm xúc trong hành trình tri ân tháng 7 miền Trung. Bước sang tuổi 39 của Báo Pháp luật Việt Nam, năm thứ 17 của hành trình, chúng tôi nhận ra một điều, dù lịch trình của chuyến đi vẫn vậy nhưng chúng tôi đã đi bằng một tâm thế khác.
Dưới tán bồ đề xanh ngắt ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trong tiếng chuông linh thiêng như vang vọng muôn trùng sông núi, chúng tôi ngước nhìn lên để thấy khoảng trời xanh bình yên, ngước nhìn đài tưởng niệm để thấy vóc dáng như đã tạc vào non sông của các liệt sỹ, lắng nghe bài hát da diết “Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ…” trong Thành cổ để lắng lòng nghĩ về sự hy sinh.
Chuyến đi lần này, tôi đã không còn bị choáng ngợp bởi hình ảnh hàng ngàn ngôi mộ nằm san sát, không còn xót xa khi thắp nhang lên phần mộ các liệt sỹ chưa tìm được tên. Bởi tôi tự nhủ các anh đã chiến đấu để cho dáng hình chữ S của đất mẹ Việt Nam được vẹn toàn, bởi thế, trên dải đất này, nơi nào các anh yên nghỉ cũng đều là quê hương.
Trước khi khởi hành, tôi có cuộc trò chuyện với một thầy giáo ở Hà Nội. Biết tôi sắp đi viếng nghĩa trang ở đất lửa Quảng Trị, thầy chia sẻ: Ông nội của thầy là liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Khe Sanh. Bố của thầy đã dành cả thời tuổi trẻ để đi tìm mộ cha nhưng không thấy nên đành gửi lại mong muốn cho người con tiếp tục. Chính bản thân thầy giáo này cũng đã nhiều lần đi tìm mộ ông nội, nhưng rồi lại thất vọng trở về. Và rồi thầy ngộ ra, thời gian đã quá dài để việc tìm kiếm có kết quả, cần phải để người đã khuất yên lòng vãng sanh.
“Tôi nghĩ, linh hồn của ông tôi sẽ về được bên con cháu, gia đình, chỉ có phần thể chất gửi lại đất mẹ như cát bụi lại trở về cát bụi mà thôi! Quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên công ơn của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tôi đã thay việc đi tìm mộ ông nội bằng việc làm từ thiện, đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa, đến với người neo đơn lang thang trong thành phố” - thầy chia sẻ.
Trong chuyến đi, tôi còn được nghe người tài xế kể câu chuyện của gia đình anh. Bố anh cũng là bộ đội. Trong một trận chiến tại Quảng Trị năm 1968, một đồng đội của ông bị thương, đứt lìa một cánh tay. Bản thân ông cũng bị thương. Những tưởng đồng đội đã hy sinh nằm lại chiến trường, ông mang theo cánh tay như kỷ vật trở về Bắc, tìm đến tận quê để trao lại cho vợ con đồng đội. Sau này, khi người đồng đội trở về. Họ đã kết nghĩa anh em, con cái hai bên coi nhau như anh em ruột thịt. Mới đây, dù tuổi đã cao, người nhiều bệnh tật nhưng hai ông già còn chở nhau bằng xe đạp đi ngắm cầu Nhật Tân, vào lăng Bác, ra hồ Gươm, ăn phở Hà Nội…
Những câu chuyện nghĩa tình của thời hậu chiến đã phần nào làm vơi bớt vết thương của chiến tranh.
Tiến sĩ Đào Văn Hội, nguyên Tổng Biên tập của chúng tôi kể rằng, anh bắt đầu chuyến đi viếng nghĩa trang liệt sỹ, tri ân miền Trung từ năm 2005. Nhưng đến 2007 anh mới tổ chức thành chuyến đi của tập thể Báo Pháp luật Việt Nam. Chuyến đi ban đầu chỉ có vài ba người. Đến năm 2009, chuyến đi mới có một cái tên chính thức, gắn liền với thương hiệu của Báo Pháp luật Việt Nam: “Chuyến đi bồi đắp tâm hồn, tri ân tháng 7 miền Trung”.
Người nghĩ ý tưởng cho chuyến đi là nhà báo Quang Tám - hiện là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế. Sinh ra và lớn lên ở khúc ruột miền Trung, thấu hiểu vùng đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, anh tâm sự: “Tôi còn nhớ mùa hè năm 2009, tôi (thời điểm ấy là phóng viên thường trú của Báo ở tỉnh Thừa Thiên Huế) đi cùng nguyên Tổng Biên tập Đào Văn Hội, Trưởng Ban Trị sự Trịnh Đức Tiến (hiện đã nghỉ hưu), anh Tuấn Ngọc - phóng viên của Báo. Sau một ngày đi viếng các nghĩa trang, tối muộn, bốn anh em chúng tôi ngồi ở một quán ăn trên quốc lộ 9.
Trong câu chuyện, anh Hội nói: “Quảng Trị là một trong những địa danh tàn khốc nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam; nơi nằm lại của hàng vạn chàng trai, cô gái “xếp bút nghiên theo việc đao cung”; Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, các chị, các anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất này. Chúng ta lớn lên, được sống trong hòa bình phải biết đền đáp, tri ân các anh hùng liệt sĩ, phải sống xứng đáng, có trách nhiệm với sự hy sinh anh dũng này. Vậy là cái tên “Chuyến đi bồi đắp tâm hồn, tri ân tháng 7 miền Trung” được ra đời”.
“Tôi luôn coi việc đóng góp một phần nhỏ bé vào hành trình chung của cơ quan không chỉ là trách nhiệm mà còn là mệnh lệnh từ trái tim”, nhà báo Quang Tám chia sẻ.
Anh Tám cũng là người đã viết bài về Quảng Trị với cái nhìn đầy màu sắc lạc quan, tươi mới về một vùng đất “Cỏ cháy đã xanh tươi sắc lá”.
Không chỉ sắc lá đã hết màu cỏ cháy, màu xanh đã phủ tràn đồi núi miền đất lửa, dọc con đường miền Trung chúng tôi đi qua trong hành trình tri ân, bồi đắp tâm hồn, còn có bạt ngàn những bông hoa hướng dương trong trang trại của TH, còn có những nhà máy mọc lên ở khắp nơi, những cây cầu nối những bờ vui. Có cả những cánh đồng điện gió khiến cánh phóng viên nữ chúng tôi quyết tâm phải “check in” cho bằng được.
Đội ngũ lãnh đạo Báo Pháp luật Việt Nam hiện tại là những người trẻ, những con người đang căng tràn sức lực, trí tuệ, tình yêu đất nước, nhiệt huyết hiến dâng và phụng sự Tổ quốc. Cùng với Ban Biên tập, tập thể những người làm báo Báo Pháp luật Việt Nam đã lan tỏa sức sống, nhiệt huyết của mình trên chuyến đi, bằng những món quà nhỏ nhưng chứa đựng lòng biết ơn lớn lao dành cho những con người trên đất lửa miền Trung.
Đêm trước ngày lên đường, chúng tôi ngồi kết những đóa sen trắng để đem vào miền Trung dâng lên mộ 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong đang yên nghỉ dưới hàng thông xanh bên Ngã 3 Đồng lộc. Những đóa hoa trắng không còn là màu của tang tóc, xót xa mà là màu của cõi thiện lành, như ý nghĩa của chuyến đi này, nhắc nhở chúng tôi thanh trong gạn đục, gìn giữ hương sắc của đời, của nghề, của bản thân mình và hướng về những điều đẹp đẽ. Cũng tại Ngã 3 đồng Lộc, chúng tôi đã thấy cây bồ đề Báo Pháp luật Việt Nam trồng tặng khu di tích đang mạnh mẽ bám sâu vào lòng đất, tán lá tỏa rộng, xanh mướt tô điểm thêm cho bầu trời Can Lộc.
Từ ngày 11 đến ngày 14/7, Đoàn công tác của báo Pháp luật Việt Nam do Tiến sỹ Vũ Hoài Nam dẫn đầu đã có chuyến công tác về miền Trung. Tham gia đoàn công tác còn có hai Phó tổng biên tập báo Pháp luật Việt Nam là Nhà báo Trần Ngọc Hà, nhà báo Vũ Hồng Thúy và đại diện các phòng ban chuyên môn, các văn phòng đại diện của Báo.
Đoàn công tác đã thực hiện hoạt động thường niên được Báo Pháp luật Việt Nam thực hiện trong 17 năm qua: Chuyến đi bồi đắp tâm hồn, tri ân tháng 7 miền Trung.
Trong chuyến công tác, Đoàn đã tới dâng hương hoa tại Ngã 3 Đồng Lộc - nơi tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc, nơi có mộ phần của 10 cô gái hy sinh khi đang giữ mạch máu giao thông để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.Đoàn công cũng đã tới viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tiếp tục cuộc hành trình, Ban biên tập, phóng viên, nhân viên của Báo Pháp luật Việt Nam đã đến dâng hương hoa tưởng nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, Di tích lịch sử đặc biệt thành cổ Quảng Trị.
Cũng trong chuyến đi này, thực hiện nghĩa tri ân vùng đất lửa Quảng Trị, đoàn công tác của Báo Pháp luật Việt Nam đã tặng 10 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10 triệu đồng tới Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, khó khăn tại địa bàn Quảng Trị. Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã tặng Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị một dàn thiết bị âm thanh trị giá 45 triệu đồng; trao tặng Mái ấm Tư pháp trị giá 100 triệu đồng cho anh Đinh Thanh Sơn, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.