Về với Long An

Năm 1967, nước nhà chưa thống nhất. Lúc ấy, tôi mới 16 tuổi. Hàng tuần, trong chương trình ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi được nghe ca khúc Vàm Cỏ Đông, thơ của Hoài Vũ, nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quê tôi ở tả ngạn sông Hồng, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Tây, TP.Hà Nội do sáp nhập với tỉnh Hà Đông năm 1964). Yêu ca khúc Vàm Cỏ Đông, tôi thuộc làu từng câu hát:

Ở tận sông Hồng anh có biết

Quê hương em cũng có dòng sông

Em mãi gọi với lòng tha thiết

Vàm Cỏ Đông, ơi, Vàm Cỏ Đông...

Ngày 10/3/1968, được nghe bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam về chiến công của quân giải phóng đánh sập cầu Bến Lức thuộc tỉnh Long An (giáp huyện Bình Chánh, TP.HCM bây giờ), tôi càng ước ao khi nước nhà thống nhất, sẽ tìm đến Bến Lức.

Năm 1990, gia đình tôi từ quê Hà Tây chuyển vào định cư tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng, cách TP.Đà Lạt 175km, cách huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) 25km. Nhìn bản đồ Tổ quốc và xem cột cây số ven đường chỉ dẫn thì từ Đạ Tẻh đến Long An chỉ tầm 200km nhưng mãi đến tháng 10/2009, tức là sau 42 năm, kể từ năm 1967, tôi mới về được huyện Bến Lức (tỉnh Long An) do con gái tôi lấy chồng tại thị trấn Bến Lức.

Kể từ đó, mãi đến ngày 08-10-2024, sau 15 năm, tôi mới về lại Long An. Con gái tôi là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Long An đã đưa tôi đi thăm tất cả các huyện và những di tích lịch sử thuộc tỉnh Long An.

Ví như về Mộc Hóa, huyện giáp biên giới Campuchia rồi đến Cần Đước - một trong những cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đi thăm lăng mộ cụ Nguyễn Huỳnh Đức (TP.Tân An), thăm chùa Phước Lâm (huyện Cần Đước), chùa Diêu Quang, địa danh Long Khốt,...

Một điều ngạc nhiên và lý thú khi con gái đưa tôi đến huyện Châu Thành, trung tâm huyện có tên là thị trấn Tầm Vu. Chợt nhớ lại những năm 1967-1977, tôi thường nghe ca khúc Tầm Vu trên Đài Tiếng nói Việt Nam do cố Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương trình bày “Hùng thay Tầm Vu, vang danh anh hùng nước Nam”. Tôi thuộc ca khúc này và hát cho nữ nhà báo là bạn của con gái tôi nghe. Thuộc ca khúc này từ năm 1967 nhưng đến nay mới thấy được Tầm Vu. Vậy là ước mơ của tôi về Long An, mảnh đất “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” đã thành hiện thực.

Trên đường về lại Lâm Đồng, đi qua cầu Bến Lức bắc qua sông Vàm Cỏ Đông, âm vang bài hát chợt vang lên trong tâm trí tôi “Ai hát chiều nay trên dòng sông Vàm Cỏ. Để tóc em tung bay trong chiều lộng gió. Dòng sông quê hương ơi dòng sông yêu thương. Nghìn năm trôi qua xuân đời thêm hương hoa. Dù bao phong ba sông càng thêm mặn mà. Như tình đôi ta sống mãi không già”.

Chớp mắt mà đã 57 năm trôi qua (từ năm 1967 đến nay) - đời người rất nhanh nhưng những dấu ấn của chiến công giữ nước và dựng nước của các địa phương trên dải đất hình chữ S thì sống mãi cũng như Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” thì mãi mãi là dư vang đáng tự hào cho đến muôn sau./.

Nguyễn Thanh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ve-voi-long-an-a190405.html