Về lắng nghe hơi thở của rừng
Tránh ồn ào, náo nhiệt, một ngày tìm về với rừng, lắng nghe hơi thở của rừng. Cách Đà Lạt 70 km, cánh rừng lá rộng Hòn Giao (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà) trải ra mênh mông. Sau cơn mưa, sương giăng bảng lảng, mây khói đan vào cây vào lá trắng mờ. Thi thoảng vài giọt nước còn đọng trong kẽ lá rơi xuống lộp bộp.
Bước vào Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà như bước vào một kho báu mà ai cũng hăm hở khám phá. Từng bước chân giẫm lên lớp lá cây sẫm màu, lắng nghe trong mạch đất, ngắm rong rêu, chiêm ngưỡng những dáng cây, thớ vỏ, sờ vào hình hài của rừng đủ để trào dâng xúc cảm. Tuyến du lịch đa dạng sinh học Hòn Giao dài 2 km xuyên qua cánh rừng như con dường trong cổ tích. Những câu chuyện về thiên nhiên, về chim muông, cây cỏ, đời sống mỗi loài là một huyền tích cứ nối tiếp nhau cuốn hút mỗi bước chân. Nhiều loài thực vật gây cho du khách thích thú như cây tổ điểu (Asplenium) là một loài dương xỉ có thân, rễ ngắn, lá dày, to mọc thành hình hoa thị như một tổ chim; cuống lá rất ngắn, dày, phủ nhiều vảy, dài ở gốc; phiến lá thuôn hình ngọn giáo, dài 30-90 cm, rộng 5-10 cm, màu lục nhạt, có mép nguyên. Tổ điểu là loài sống phụ sinh, cây tổng hợp chất dinh dưỡng từ những lá cây rơi xuống thân cây chủ và các cây xung quanh. Rễ tổ điểu làm giá thể trồng phong lan. Trong y học dân gian, lá cây giúp chữa bệnh về tóc và da đầu, bong gân, sai khớp, gãy xương... Cây sồi Braian nổi bật giữa rừng già là cây đại thụ cao 28 m, vượt lên trên tán rừng, cây được đặt tên theo ngọn núi cao nhất của huyện Di Linh (Braian). Với kích thước khổng lồ loài cây này cho sản lượng gỗ khá cao nếu thuần hóa để trồng rừng kinh tế. Cây thông hai lá dẹt, là loài cổ thực vật còn sót lại từ thời kỳ khủng long, là loài đại diện của Vườn, có tuổi đời vài trăm năm, vươn mình vượt lên cao vút. Những cây phong đỏ đến mùa thay lá tưởng chừng chỉ có ở những nước phương Tây xa xôi.
Biết bao kỳ hoa, dị thảo, sinh thái rừng muôn hình vạn trạng, chỉ lắng nghe, ngắm nhìn đã đủ đắm đuối say mê. Dòng người giẫm lên thảm lá ướt nhẹp vừa qua trận mưa đêm, “dán” mắt vào vũng nước đọng ngắm nhìn loài nhái bơi lội. Rồi ngước lên những thân cây cao vút xanh mướt bởi muôn loài rêu đan xen ken đặc từ gốc đến ngọn, mang theo muôn ngàn giọt nước li ti. Thi thoảng lại một chiếc cầu bắc qua những con suối, nước trong vắt bởi được gom lọc từ muôn bộ “lưới” rễ. Vừa đi vừa nhìn cây, ngắm các loài chim, như lạc vào nơi chỉ có tiếng chim, rồi dừng lại ngồi xuống mặt đất nhặt những hạt dẻ vừa thoát khỏi lớp vỏ gai xù xì, ngắm những phiến lá chuyển màu sắp rời cành khi đông về. Có những cây dây leo nhỏ bám vào đại thụ buông thõng xuống đu đưa như đan mành. Có những loài dây sần sùi to như bắp chân quất chặt lấy thân cây từ gốc đến ngọn, làm ta không còn phân biệt đâu là thân cây chính, đâu là loài phụ sinh. Cây như đan vào nhau, tựa vào nhau, tầng tầng lớp lớp cộng sinh làm người ta nghĩ đến sự sẻ chia, gắn bó, không tách rời. Nhẹ nhàng bước, như sợ vô tình giẫm phải mầm cây đang vươn mình dưới lớp lá khô; sợ những chú chim đang hót giật mình thảng thốt, sợ rung cành, rụng lá.
Cảm nhận về vẻ đẹp và đa dạng sinh học, chị Nguyễn Vĩnh, một người con của Đà Lạt bày tỏ sự ngỡ ngàng: “Thật bất ngờ khi giữa Lâm Đồng lại có một khu rừng còn nguyên sinh như thế này, rất hùng vĩ, có nhiều loài cây mà trong đời tôi được thấy, không ngờ Đà Lạt mình có. Dù sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt 60 năm, nhưng lần đầu tiên tôi mới đến được khu rừng này. Có những cây đại thụ chỉ thấy trên phim ảnh thì đến bây giờ mới được thấy trong thực tế. Chuyến tham quan rất hữu ích, thú vị. Tôi thấy cần phải yêu quý thiên nhiên hơn, yêu quý quê hương đất nước hơn, làm sao để cùng nhau bảo vệ để những khu rừng như thế này được tồn tại mãi mãi, để mai này thế hệ con cháu mình lớn lên chúng lại cho mọc thêm những khu rừng mới, để đất nước mình mãi tươi xanh”.
Chỉ 2 tiếng đồng hồ xuyên rừng, nhưng muốn ở mãi với nơi này. Anh Lê Ngọc Nhật (chuyên viên giáo dục môi trường của Vườn Quốc gia) là những người yêu rừng, trong từng lời giới thiệu, từng câu chuyện về muôn loài, có khi chỉ là những số liệu thống kê khô cứng cũng đủ truyền cho người nghe tình yêu rừng. Anh cho biết, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đang mang một giá trị đặc biệt: là vùng cảnh quan đa dạng sinh học có giá trị toàn cầu, một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học ở Việt Nam; là khu vực ưu tiên số 1 trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn; là một trong 221 vùng chim quan trọng của thế giới; là “vương quốc” lan của Việt Nam; là vùng rừng nguyên vẹn cho đa dạng sinh học của khu hệ thú; vùng địa lý sinh học của các loài hạt trần; là nơi khởi nguồn của hai dòng sông huyền thoại sông Đồng Nai và sông Sêrêpôk; là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang và Vườn di sản ASEAN. Trong giọng nói của anh còn có cả niềm tự hào.
Rừng không chỉ thanh lọc không khí, mà còn thanh lọc tâm hồn, về với thiên nhiên tươi đẹp, được đắm mình trong sự phóng khoáng của rừng khiến người ta thảnh thơi. “Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không giết gì ngoài giết thời gian, không để lại gì ngoài những dấu chân”; tạm biệt rừng, tạm biệt Bidoup - Núi Bà, trở về với ồn ào, náo nhiệt và “không mang gì về ngoài những ký ức” đẹp đẽ về rừng.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/202111/ve-lang-nghe-hoi-tho-cua-rung-3089799/