Về Kiên Giang, xem nông dân trồng lúa trúng đậm
Cây lúa từng có thời được coi là cây 'đủ ăn' ở nhiều địa phương tỉnh Kiên Giang, nhưng nay nhờ những thay đổi trong phương thức sản xuất, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp các hộ sản xuất vươn lên làm giàu.
Vụ lúa mùa vừa qua ở U Minh Thượng được mùa, được giá, nông dân ai cũng phấn khởi. Cây lúa những năm gần đây đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của huyện, từ một vùng đệm nhiều khó khăn, U Minh Thượng giờ đến đâu cũng thấy những ngôi nhà khang trang, đồn điền bạc tỷ…
Đất trũng “nở hoa”
Đang tất bật với vụ lúa mới, anh Huỳnh Văn Duy hồ hởi kể về vụ lúa mùa 2023-2024 thắng lớn. Nhiều năm qua, gia đình anh triển khai hơn 5 ha lúa giống ST25 và giống Một Bụi Đỏ, cả hai giống đều nổi tiếng thơm ngon, chất lượng cao nên tiêu thụ nhanh, giá ổn định.
“Vụ vừa qua, giá lúa tăng cao hơn cùng kỳ năm trước trung bình 2.000-4.000 đồng/kg. Các hộ thuê cắt bằng tay, hao hụt nhiều thì sau khi trừ chi phí cũng lãi khoảng 3 triệu đồng/công. Đối với những hộ cắt máy lợi nhuận cao hơn, đạt từ 5-6 triệu đồng/công. Được mùa trúng giá nên chúng tôi cũng phấn khởi triển khai vụ mới”, anh Duy chia sẻ.
Một điểm đáng chú ý đang giúp những người trồng lúa ở U Minh Thượng thu nhập cao hơn trong những năm gần đây là sự chuyển đổi từ mô hình độc canh lúa sang mô hình kết hợp giữa lúa - tôm, hoặc lúa - cây ăn quả… Những mô hình kết hợp cộng với canh tác theo hướng an toàn sinh thái giúp hiệu quả tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc HTX dịch vụ tôm cua lúa Thạnh An, xã Đông Thạnh, huyện An Minh cho biết: “Năm nay lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, giá lúa tăng cao nên thành viên trong HTX rất vui vì trúng mùa, được giá”.
HTX Thạnh An là một trong những đơn vị điển hình trong sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, thích ứng tốt với cơn bão hạn mặn đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Kiên Giang nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung.
Đến nay, HTX có diện tích sản xuất 140ha, ngoài ra còn có vùng liên kết sản xuất khoảng 400ha. Đơn vị đã chuyển đổi sản xuất lúa sang hữu cơ 5 năm nay, ký hợp đồng với Công ty Đại Dương Xanh cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.
Đáng chú ý, theo ông Khánh, các thành viên HTX đang rất kỳ vọng vào việc tham gia thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang được ngành nông nghiệp triển khai vì nông dân ở đây đã có kinh nghiệm sản xuất lúa hữu cơ, khi áp dụng các tiêu chí của Đề án về giảm phát thải sẽ mang lại hiệu quả cao và sẽ có nhiều thuận lợi.
Cuộc “cách mạng” của cây lúa
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ diện tích lúa của thành viên, nông dân liên kết. Trong quá trình canh tác, nông dân được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo đạt năng suất và chất lượng. Vụ vừa qua, năng suất lúa bình quân trong HTX xã đạt 6-6,5 tấn/ha, giá bán bình quân từ 8.000-8.500 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lãi từ 30-35 triệu đồng/ha”, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Khánh cho hay.
Giống như ở U Minh Thượng, sản xuất lúa trên địa bàn huyện An Minh cũng đã có một cuộc “cách mạng”, chuyển từ độc canh cây lúa sang mô hình lúa - tôm.
Ông Lê Văn Hải, thành viên HTX Thạnh Hòa (ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh) chia sẻ so với sản xuất độc canh cây lúa hoặc nuôi tôm theo cách truyền thống trước đây thì mô hình lúa – tôm cho hiệu quả vượt trội, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Gia đình ông Hải triển khai sản xuất trên diện tích khoảng 3 ha, kết hợp nuôi tôm – trồng lúa, đồng thời thả nuôi cua. Hàng năm, trung bình mỗi ha sẽ cho sản lượng tôm đạt 400 - 500kg và 5 - 6 tấn lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận lên tới 300 - 400 triệu đồng/năm.
“Sản xuất theo hướng hữu cơ nên cả tôm và lúa sau thu hoạch đều là sản phẩm sạch, chất lượng cao, nên được doanh nghiệp đặt hàng thu tận ruộng, sau đó đem về chế biến xuất khẩu. Năng suất cao lại không còn lo thị trường tiêu thụ nên chúng tôi khỏe re”, ông Hải nói.
Được biết, tổng diện tích sản xuất tôm - lúa của HTX Thạnh Hòa hiện đạt hơn 80 ha. Tôm nuôi tại HTX đa phần là nuôi sinh thái tự nhiên, chỉ sử dụng men vi sinh trong cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước và trồng lúa thì chọn giống chất lượng cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cho sản phẩm nông sản sạch, chất lượng tốt được các doanh nghiệp, công ty đặt hàng bao tiêu sản phẩm thu mua chế biến xuất khẩu. Trong quá trình sản xuất tôm - lúa, các thành viên HTX còn thả nuôi xen cua, tôm càng xanh để tăng thêm thu nhập.
Ứng phó hạn mặn, phát triển bền vững
Có thể thấy, những thay đổi trong phương thức sản xuất, đặc biệt là sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp mô hình trồng lúa ở Kiên Giang tạo sự khác biệt, từ loại cây giảm nghèo thành cây làm giàu.
Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã có quyết định về quy mô diện tích tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 200.000ha, địa bàn triển khai tại 12 huyện, thành phố của tỉnh.
Quá trình thực hiện sẽ được phân theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) với diện tích 24.738ha và mục tiêu mở rộng diện tích ngoài vùng dự án VnSAT hướng đến năm 2025 đạt 100.000ha.
Giai đoạn 2 (năm 2026 - 2030) xác định các khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải mới thêm 100.000ha để đạt tổng diện tích 200.000ha.
Các hoạt động chính để thực hiện các nội dung Đề án trên là lựa chọn, xây dựng vùng, diện tích tham gia, rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững, tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh, huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính carbon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới…
Bên cạnh nỗ lực thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Kiên Giang dự kiến tiếp tục tổ chức lại mô hình sản xuất lúa – tôm theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm và lúa.
Trong đó, doanh nghiệp, HTX thu mua, chế biến, tiêu thụ có vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Cùng với đó, tỉnh sẽ kiện toàn, củng cố, thành lập mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như tổ hợp tác, HTX gắn với liên kết doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị tại những vùng sản xuất tôm - lúa trọng điểm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.