Về Bồng Trung thăm mộ và đền thờ thủ lĩnh nghĩa quân Hùng Lĩnh
Làng Bồng Trung (xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc) là vùng đất sản sinh ra nhiều bậc hiền tài cho cho đất nước. Trong đó, không thể không nhắc đến Tống Duy Tân - vị thủ lĩnh nghĩa quân Hùng lĩnh vang danh lịch sử ở cuối thế kỷ XIX.
Mộ Tiến sỹ Tống Duy Tân nằm trong khuôn viên Trường THPT Tống Duy Tân, xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc.
Tống Duy Tân tự là Cơ Mệnh, hiệu Báo Tiền, sinh năm Đinh Dậu (1837) ở làng Bồng Trung (nay là xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc). Năm 1875 ông đỗ Tiến sỹ.
Kinh qua nhiều chức vụ, Tống Duy Tân luôn được ca ngợi là vị quan thanh liêm, có lòng thương dân, căm ghét và ngăn cản những hành vi sách nhiễu, đục khoét dân của nha dịch, cường hào.
Nhà thờ cụ Tống Duy Tân ở xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc.
Năm 1885, Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương chống Pháp, ở vùng đất xứ Thanh Tống Duy Tân đã nhanh chóng hưởng ứng, khẩn trương xây dựng lực lượng để bước vào cuộc chiến. Ông là thủ lĩnh của nghĩa quân Hùng Lĩnh, hai làng Bồng Trung và Đa Bút trở thành căn cứ cuộc khởi nghĩa.
Vào giữa năm 1886, những người lãnh đạo phong trào chống Pháp của Thanh Hóa đã tổ chức một hội nghị quan trọng ở đình Bồng Trung để bàn biện pháp thúc đẩy phong trào, quyết định xây dựng căn cứ Ba Đình và Mã Cao.
Năm 2001, nhà thờ và lăng mộ Tống Duy Tân trên địa bàn xã Minh Tân đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Trong hai năm (1885, 1886) nghĩa quân Hùng Lĩnh vừa ra sức xây dựng lực lượng, vừa vận động Nhân dân ủng hộ củng cố căn cứ, chống trả những cuộc tấn công của kẻ địch vào vị trí Bồng Trung - Đa Bút, mặt khác phối hợp các cuộc khởi nghĩa để chi viện cho mặt trận Ba Đình.
Chỉ trong năm 1885, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã đánh bại lực lượng của thực dân Pháp hai lần, khi chúng tấn công vào căn cứ Bồng Trung và Đa Bút.
Dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân và Cao Bá Điển đã phối hợp với các nghĩa quân khác tấn công vào tỉnh lỵ (ngày 12-3-1886) và chặn đánh lính Pháp càn quét ở Yên Định. Giữa năm 1886, nghĩa quân tiến xuống Hà Trung để hỗ trợ chiến đấu cho căn cứ Ba Đình.
Anh Tống Duy Thái, cháu 5 đời hàng ngày lo hương khói cho cụ Tống Duy Tân.
Khi căn cứ Ba Đình, Mã Cao lần lượt thất thủ, nghĩa quân Hùng Lĩnh trở thành một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ nhất ở Thanh Hóa, nối liền phong trào miền núi và miền xuôi.
Từ năm 1889 đến năm 1892, nghĩa quân đã lập nhiều chiến công vang dội, giặc Pháp tuy có bị tổn thất lực lượng qua nhiều cuộc giao tranh với nghĩa quân Hùng Lĩnh, tuy vậy lực lượng nghĩa quân Hùng Lĩnh cũng suy yếu đi nhiều, Tống Duy Tân phải lánh vào hàng Dong (xã Thiết Ống, huyện Bá Thước) để ẩn náu và hoạt động bí mật.
Tên phản bội Cao Ngọc Lễ (người cùng quê với Tống Duy Tân) đã chỉ điểm cho giặc Pháp nơi ẩn náu của cụ. Ngày 5-10-1892 thủ lĩnh Tống Duy Tân đã rơi vào tay giặc Pháp.
Trên đường áp giải, Tống Duy Tân đã thể hiện ý chí bất khuất, kiên cường của mình bằng việc cắn ngón tay chảy máu để viết lên song củi vần thơ đầy khí phách “Nguyện kế vua xưa trừ giặc nước, Ai hay nay lại ở trong lồng”. Sau đó ít ngày, cụ bị giặc hành hình bên bờ sông Cầu Cốc.
Có thể nói, vai trò lãnh đạo của Tống Duy Tân và cuộc khởi nghĩa do ông khởi xướng không còn bó hẹp ở Thanh Hóa mà đã lan rộng, ảnh hưởng đến cả Bắc kỳ và Trung kỳ lúc bấy giờ. Năm 1920, khi còn đang hoạt động tại Pháp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá Tống Duy Tân là một đại trí thức đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược Pháp.
Năm 2001, nhà thờ và lăng mộ Tống Duy Tân trên địa bàn xã Minh Tân đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.