Vay mượn vật tư y tế: Chủ nợ chờ, con nợ đợi hướng dẫn
Thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, một số ĐBQH phản ánh dịch COVID-19 đã qua được gần hai năm nhưng nhiều bệnh viện vẫn không có cơ sở để thanh toán tiền nợ liên quan tới vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn... Số tiền nợ của nhiều bệnh viện đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, việc mua sắm vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn theo quy định gặp rất nhiều khó khăn do lượng bệnh nhân tăng nhanh, giãn cách xã hội nên các cơ sở y tế phải “mượn” của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đến nay, các vẫn chưa thể thanh toán do vướng các thủ tục mua sắm, hiện tại tỉnh Bình Thuận, đang nợ trên 91 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng khẳng định đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố. Không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, oxy, khí nén… Do vậy Bộ Y tế và Chính phủ chỉ hướng dẫn thôi là chưa đủ, và không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đúng là có thực trạng các cơ sở y tế phải tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu xét nghiệm chữa bệnh. Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng trước 31/12/2024 giải quyết vấn đề vay mượn. Song theo Bộ trưởng đây là việc khó.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm, do chưa có quy định luật pháp nên Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ chế xử lý khó khăn, giải quyết lâu dài. Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) cũng đã có quy định vay mượn, ứng trước đối với trang thiết bị vật tư y tế và sắp tới sẽ triển khai hướng dẫn.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!