Vật liệu xây dựng xanh đã bắt đầu bén rễ tại Việt Nam

Khi Công ty Fico-YTL tự công bố loại xi măng nhãn xanh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng rồi, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: vật liệu xanh đã được sử dụng như thế nào trong các công trình tại Việt Nam và trên thế giới, và tương lai của thị trường mới sẽ như thế nào. Thị trường vật liệu xây dựng xanh thật sự đã có một sự dịch chuyển lớn về chất, bất chấp sự chậm chạp của các dự án xây dựng trong thời gian qua.

(KTSG) – Khi Công ty Fico-YTL tự công bố loại xi măng nhãn xanh đầu tiên tại Việt Nam vào tháng rồi, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: vật liệu xanh đã được sử dụng như thế nào trong các công trình tại Việt Nam và trên thế giới, và tương lai của thị trường mới sẽ như thế nào. Thị trường vật liệu xây dựng xanh thật sự đã có một sự dịch chuyển lớn về chất, bất chấp sự chậm chạp của các dự án xây dựng trong thời gian qua.

Tre, gỗ, rơm rạ và bùn đất đã được sử dụng từ rất lâu trong xây dựng và kiến trúc ở Việt Nam và trên thế giới. Khái niệm xây dựng bền vững hiện bao gồm và tích hợp nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình thiết kế, xây dựng và thực hiện các dự án. Sử dụng các loại nguyên vật liệu tái tạo, thân thiện với môi trường và giúp giảm lượng khí phát thải là chiến lược quan trọng.

Bất ngờ với các loại vật liệu mới

Vật liệu xây dựng xanh hiện nay rất đa dạng, gồm gỗ, tre, bê tông gai dầu, bê tông gỗ, bê tông cỏ, nhựa tái chế, sợi nấm, kiện rơm, đất nện tre… Các loại vật liệu thiên nhiên như gỗ, tre, đất sét, rơm rạ đã được sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Nay xuất hiện thêm những siêu vật liệu mới.

Nấm là thực phẩm, nhưng đã được đưa vào nghiên cứu, sử dụng trong ngành xây dựng từ lâu. Sau khi thu hoạch, sợi nấm sẽ được kéo dài, thêm vào chất nền như rơm, sợi gỗ và chất thải từ chế biến thực phẩm. Hỗn hợp được cho vào khuôn, định hình theo hình dáng mong muốn. Sợi nấm tiếp tục được cung cấp nước để phát triển, tạo thành khối rắn, sau đó được ép lạnh hoặc ép nhiệt để gia cố. Khối vật liệu mới có thể được thêm các loại dầu thực vật, dầu tự nhiên để gia tăng độ bền.

Một khách sạn theo khái niệm kiến trúc xanh trên đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1, TPHCM. Nhiều công trình xanh tại Việt Nam không chỉ tăng không gian xanh, mà còn sử dụng vật liệu xanh và kiến trúc xanh nhằm giảm lượng phát thải, tăng tính bền vững. Ảnh: The Myst

Một khách sạn theo khái niệm kiến trúc xanh trên đường Hồ Huấn Nghiệp, quận 1, TPHCM. Nhiều công trình xanh tại Việt Nam không chỉ tăng không gian xanh, mà còn sử dụng vật liệu xanh và kiến trúc xanh nhằm giảm lượng phát thải, tăng tính bền vững. Ảnh: The Myst

Theo trang Reset.org, vật liệu sợi nấm (mycellium-based material) mang lại nhiều lợi ích so với vật liệu truyền thống, có khả năng phân hủy sinh học, tiêu thụ ít nước và năng lượng khi sản xuất, lượng phát thải thấp. Loại vật liệu này có tính cách âm, cách nhiệt và chống cháy. Các loại composite từ sợi nấm đã được sử dụng trong ngành sản xuất xe hơi và bao bì.

Cây gai dầu cần ít nước, nhưng phát triển nhanh hơn các loại thực vật khác đến 50 lần. Sau khi thu hoạch, cây được phơi khô trong nhiều ngày và ngâm nước để trương nở, rồi phơi khô lần nữa để lấy sợi.

Theo trang ximang.vn, cây gai dầu được sử dụng từ thời xưa trong sản xuất dây thừng, vải, giấy… Cây gai dầu cũng được người Merovingian sử dụng làm vữa để xây cầu từ thế kỷ thứ 6 tại những vùng đất thuộc nước Pháp ngày nay. Người La Mã đã sử dụng sợi gai dầu để gia cố vữa xây nhà. Ngày nay, loại cây này được sử dụng làm bê tông gai dầu (hempcrete).

Để tạo hempcrete, các nhà khoa học trộn sợi gai dầu, đá vôi bột và nước vào máy trộn bê tông và thu được hỗn hợp đặc sệt. Sau các phản ứng hóa học, hỗn hợp này sẽ hóa đá, có trọng lượng nhẹ nhưng độ bền lớn hơn.

Tương lai của vật liệu xanh

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2023 các công trình cơ sở hạ tầng chiếm 30% tổng năng lượng, 26% lượng phát thải từ nhiên liệu, năng lượng trên toàn cầu. Trong số này, 8% là khí thải trực tiếp từ các tòa nhà, và 18% là khí thải gián tiếp từ quá trình sản xuất nhiệt và điện sử dụng cho các tòa nhà.

Các công trình xanh đang được toàn cầu quan tâm, tăng 37% trong năm năm qua, theo báo cáo tháng 4-2024 của hãng dịch vụ bất động sản CBRE.

Hempcrete hay vật liệu sợi nấm được xem là vật liệu xây dựng của tương lai, với độ bền, cách âm và cách nhiệt, đồng thời giúp tiết kiệm năng lượng, duy trì sự cân bằng sinh thái. Các loại vật liệu mới sẽ cải thiện hiệu quả và tính bền vững của cấu trúc tòa nhà trong quá trình xây dựng, thiết kế, cải tạo và bảo trì.

Thị trường bê tông thông thường toàn cầu ước đạt giá trị hơn 922 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023, theo Fortune Business Insights. Thị trường này sẽ tăng phi tiễn với tăng trưởng kép CAGR hơn 9% mỗi năm để đạt quy mô hơn 2.000 tỉ đô la trong năm 2032.

Bê tông gai dầu có ưu điểm vượt trội về cách nhiệt so với bê tông thường, dù độ rắn thấp hơn. Thị trường hempcrete đạt qui mô 26,8 tỉ đô la trong năm 2023, chỉ hơn 2% quy mô của thị trường concrete truyền thống. Thị trường hempcrete tăng trưởng với tốc độ kép CAGR 5% mỗi năm và đạt giá trị 45 tỉ đô la vào năm 2032.

Thị trường vật liệu sợi nấm đạt giá trị 3,1 tỉ đô la trong năm 2023, tăng trưởng kép CAGR 8,5% và đạt giá trị 6,5 tỉ đô la năm 2032.

Vật liệu xanh tại Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản năm 2010-2011 đã buộc các công ty xây dựng và chủ đầu tư tại Việt Nam thực hành các tiêu chuẩn của công trình xanh. Tại hội thảo do Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 22-8, ông Vũ Linh Quang, CEO của hãng kiến trúc ARDOR Green, nói rằng Việt Nam ban hành bộ tiêu chí xanh LOTUS cho ngành xây dựng năm 2010.

Thị trường bất động sản trầm lắng, cũng khiến phong trào xanh chuyển sang nốt lặng. Tại một hội thảo vào tháng 3-2024 tại TPHCM, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội mô phỏng hiệu suất tòa nhà Việt Nam (IBPSA Vietnam), cho rằng khái niệm công trình xanh đã thu hút trở lại sự chú ý của mọi người trong ba năm qua. Đặc biệt là khi Việt Nam cam kết thực hiện giảm lượng phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland năm 2021.

Tính đến cuối tháng 6-2024, theo ARDOR Green, tổng diện tích sàn tại Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh là gần 11,5 triệu mét vuông. Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) nói đến cuối năm nay, tổng diện tích này sẽ đạt 15 triệu mét vuông, với tỷ lệ gần 30% dành cho khu công nghiệp và hơn 20% dành cho nhà ở.

Chuyển đổi xanh đã bắt buộc các tỉnh thành Việt Nam phát triển các khu công nghiệp xanh và chuỗi cung ứng xanh. Giá thuê bất động sản ở Indonesia cao gấp 1,5 lần Việt Nam, trong khi Malaysia cao hơn 1,75 lần. Tuy vậy, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam vẫn chưa đủ để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài đi tìm chuỗi cung ứng xanh, nhiều công ty dệt may đã chuyển hướng sang Bangladesh, theo lời ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn FPT Digital, tại hội thảo hồi tháng 3.

Trước khi Fico-YTL tự công bố xi măng nhãn xanh (xem bài trang XX), đã có nhiều nhãn xi măng xanh xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Tuy vậy, CEO Nguyễn Công Bảo nói với Kinh tế Sài Gòn rằng các nhà sản xuất này không nêu rõ tuân theo tiêu chuẩn nào và giảm lượng phát thải ra sao. Dù chỉ ra thị trường hơn một tháng, ông Bảo tin rằng xi măng xanh sẽ tìm được “đất dụng võ” khi càng nhiều nơi thực hiện các tiêu chí công trình xanh.

Nhưng thị trường vật liệu xây dựng xanh tại Việt Nam lại sôi động hơn hẳn so với suy nghĩ thông thường, cả về ứng dụng lẫn sản xuất. Nhiều nhà máy gạch đã chuyển sang gạch không nung. Nhiều nơi sử dụng chất thải công nghiệp như tro, xỉ nhiệt điện hay xỉ lò thép làm nguyên liệu cho xi măng, gạch bê tông lát hè, gạch đất sét nung hay bê tông trộn sẵn, theo ximang.vn.

Năm 2020, Bộ Xây dựng đã ra dự thảo ưu tiên phát triển các loại vật liệu xây dựng mới đến năm 2050. Trước đó, năm 2010 Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình 567 về phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020”, nhằm tiết kiệm 1.000 héc ta đất nông nghiệp và hàng trăm héc ta diện tích chứa chất thải, xóa hoàn toàn các lò gạch đất sét nung thủ công.

Tháng 8-2021, tạp chí kiến trúc Dezeen đã chọn ra bảy công trình độc đáo trên thế giới được làm bằng tre, trong đó có công trình của kiến trúc sư Việt Nam. Nhà hàng Vedana ở khu resort Vedana sát bìa rừng Cúc Phương do Công ty TNHH Võ Trọng Nghĩa thiết kế và xây dựng, có chiều cao 16 mét và diện tích bằng mái hơn 1.000 mét vuông. Mái vòm ba tầng của nhà hàng kết cấu từ 36 khung tre, lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Tâm trạng e dè của các chủ đầu tư, công ty thiết kế và cả người dân đã gần như biến mất khi có cam kết rằng vật liệu xanh không làm đội giá công trình quá mức. Cái đẹp và độ thân thiện với môi trường nay là sức hút mới nhất và lớn nhất của vật liệu xanh.

Hồ Nguyên Thảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vat-lieu-xay-dung-xanh-da-bat-dau-ben-re-tai-viet-nam/