Vành đai 5 sẽ giúp mở rộng gấp đôi tầm ảnh hưởng trực tiếp của Hà Nội
Với Vành đai 5, Hà Nội sẽ trực tiếp kết nối với 7 tỉnh thành, TP, thông thương đến cửa biển Thái Bình, vùng núi Tây Bắc, giáp các cửa khẩu đường bộ của Lạng Sơn…
Cùng với Vành đai 4, Vành đai 5 sẽ mở rộng gấp đôi tầm ảnh hưởng của Thủ đô với Vùng Bắc bộ cũng như cả nước.
Mục tiêu đầy khát vọng
Tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô đã được quy hoạch từ năm 2014, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ của Hà Nội cũng như các tỉnh, TP lân cận trong Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng như cả nước.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự kiến Vành đai 5 sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 331,5km (không bao gồm khoảng 41km đi trùng các đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3). Quy mô mặt cắt ngang đường được tính toán theo hai cấp độ. Tuyến chính sẽ có 4 - 6 làn xe, bề rộng nền đường tối thiểu từ 25,5 - 33m; đường gom song hành có tối thiểu 1 làn xe. Dự kiến toàn tuyến sẽ có tổng mức đầu tư trên 85.000 tỷ đồng.
Đoạn qua địa phận TP Hà Nội, Vành đai 5 sẽ đi theo lộ trình: từ vị trí cầu Vĩnh Thịnh nhập vào đi trùng đường Hồ Chí Minh (dài khoảng 21,5km); giao với cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất; tiếp tục đi về phía Nam sang địa phận tỉnh Hòa Bình, đến khu vực Chợ Bến rẽ theo hướng Đông vượt sông Đáy sang địa phận tỉnh Hà Nam.
Với lộ trình này, Vành đai 5 sẽ đi qua 6 huyện, thị xã bao gồm: Sơn Tây, Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Đường gom, đường song hành được đầu tư phân kỳ theo nhu cầu vận tải, sự phát triển của đô thị hai bên và được tính toán cụ thể trong giai đoạn lập dự án đầu tư.
Trong 7 tuyến đường vành đai của Hà Nội, chỉ có Vành đai 4 và 5 là kết nối liên tỉnh, trực tiếp mở ra các hướng chính thông thương giữa TP và các địa phương lân cận. Thủ đô hiện đã phát triển rất mạnh mẽ, khu vực đô thị hóa đang lan nhanh, vượt ra khỏi Vành đai 3, biến khu vực giữa Vành đai 3 và 4 thành những trung tâm đô thị mới.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, nhu cầu giao thông kết nối Hà Nội đi các địa phương; lưu lượng từ những tỉnh, TP lân cận quá cảnh Thủ đô; cũng như mật độ luân chuyển trong nội bộ TP sẽ liên tục gia tăng theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
“Các tuyến đường kết nối 1 - 1 sẽ không còn đủ năng lực đáp ứng nhu cầu trong tương lai gần. Hà Nội cần các tuyến Vành đai lớn, tạo nên nhịp cầu giao thông thông suốt liên tục, tuần hoàn, trở thành xương sống để làm điểm tựa cho những huyết mạch đan xen trong toàn bộ Vùng Thủ đô, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” - ông Phan Trường Thành nói.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngay khi khởi động Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Hà Nội và các địa phương khác cần khẩn trương chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng Vành đai 5. Khi có Vành đai 5, hiệu quả của Vành đai 4 sẽ được tăng cường rõ rệt. Vùng ảnh hưởng với Thủ đô là trái tim cầm nhịp cho sự phát triển kinh tế - xã hội sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Hà Nội sẽ trở thành trung tâm của các luồng luân chuyển từ núi cao đến biển rộng, là trạm điều phối cho xuất nhập khẩu, logistics hoàn hảo.
Xóa những khoảng trống
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, Vành đai 4 và Vành đai 5 sẽ tạo nên hai sợi dây liên kết bền vững, thắt chặt các địa phương xung quanh trái tim là Hà Nội.
“Sợi dây này không chỉ liên kết Hà Nội với cả vùng mà còn kéo gần các tỉnh, TP khác lại với nhau, xóa đi những khoảng trống trước nay vẫn là rào cản cho sự thông thương giữa cửa biển - đồng bằng - miền núi phía Bắc” - ông Vũ Hoàng Chung nói.
Với Vành đai 5, Thái Bình sẽ có thêm động lực để phát triển cảng biển lớn, tận dụng nguồn lực tự nhiên sẵn có. Hàng hóa từ cảng biển này sẽ theo Vành đai 5 đến thẳng với các khu vực công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Ngược lại, sản phẩm từ khu vực miền núi, đồng bằng phía Bắc sẽ được đưa đến cảng biển Thái Bình để xuất khẩu đi quốc tế. Với Vành đai 5, cả Vùng kinh tế Bắc Bộ sẽ không chỉ phát huy được tiềm năng nội tại mà còn có cơ hội trở thành trung tâm logistic, điều phối hàng hóa quốc tế.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tuy mới đang trong giai đoạn xây dựng đường song hành đô thị, chưa triển khai tuyến cao tốc chính nhưng đã tạo nên động lực rất lớn, giúp nhiều khu vực bước vào tiến trình đô thị hóa. Tương tự Vành đai 5 cũng sẽ tạo nên hiệu ứng đó, thậm chí còn có ảnh hưởng xa, rộng hơn.
Với Hà Nội, Vành đai 5 sẽ là điều kiện để hình thành chuỗi logistics, sản xuất, dịch vụ thương mại khu vực phía Tây, Tây Nam TP. Các đô thị vệ tinh, sinh thái, đặc biệt là đô thị công nghệ Hòa Lạc sẽ kết nối thẳng đến Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam… không còn phải xuyên tâm qua TP để đến các tuyến cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng; Pháp Vân - Cầu Giẽ, rồi mới tiếp cận được cảng biển và cửa khẩu trên bộ.
Những vùng đất còn đầy tiềm năng dọc đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 21A); cao tốc Hòa Bình - Hà Nội sẽ nhanh chóng gia tăng giá trị kinh tế, thu hút đầu tư mạnh mẽ từ khắp cả nước. Dọc theo 21,5km Vành đai 5 từ cầu Vĩnh Thịnh - đường Hồ Chí Minh sẽ có hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ đấu nối vào, liên kết nhiều khu vực tiềm năng phát triển du lịch, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội.
Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích: “Với Vành đai 5, Hà Nội sẽ có điều kiện hình thành các đầu mối trung chuyển hành khách, hàng hóa từ Vành đai 4 trở ra, kéo giãn áp lực giao thông cho đô thị trung tâm, tăng cường hiệu quả của cả hai tuyến đường rất quan trọng này”.
Bên cạnh đó, Vành đai 5 còn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với an ninh, quốc phòng của cả Vùng Bắc Bộ với Hà Nội là trái tim. Các cửa ngõ tiến vào Thủ đô từ cả phía biển và đường bộ đều sẽ được tăng cường năng lực phòng thủ với sự hỗ trợ nhanh chóng của các tỉnh, TP xung quanh.
Có thể nói, Vành đai 5 có vai trò quan trọng không hề kém Vành đai 4. Thậm chí nó còn có ảnh hưởng rộng hơn, bởi Vành đai 4 tập trung chủ yếu cho Vùng Thủ đô, còn Vành đai 5 lan tỏa đến cả Vùng Bắc bộ. Không chỉ Hà Nội và 7 tỉnh, TP lân cận nằm trên tuyến, mà các tỉnh, TP khác như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Hải Phòng, Nam Định… đều sẽ được hưởng lợi từ Vành đai 5, tạo nên một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa bền vững, quy mô và phát triển bậc nhất trong nước cũng như trong khu vực.