Vàng O là chất gì mà khiến sầu riêng rớt giá?

Thị trường xuất khẩu sầu riêng gặp phải thách thức mới khi Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O.

 Theo cơ quan quản lý, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O là nguyên nhân khiến cho giá sầu riêng giảm sâu thời gian qua. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo cơ quan quản lý, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O là nguyên nhân khiến cho giá sầu riêng giảm sâu thời gian qua. Ảnh: Phạm Ngôn.

Sau Tết Nguyên đán, giá bán sầu riêng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chỉ bằng 1/3 so với trước Tết. Một trong nhiều nguyên nhân là Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu sầu riêng Việt Nam khối lượng lớn, tăng cường kiểm định chất lượng với chất vàng O.

Trước đó, Thái Lan cũng đã tiêu hủy hơn 64 tấn sầu riêng bị Trung Quốc từ chối nhập khẩu do nhiễm chất vàng O, đồng thời lên kế hoạch kiểm định chất lượng nghiêm ngặt đối với nông sản xuất khẩu.

Vàng O là gì?

Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, vàng O là một loại chất độc, thường được sử dụng để bảo quản hoặc tạo màu cho thực phẩm, đặc biệt được sử dụng nhiều để làm chín "ép" sầu riêng, đồng bộ độ chín.

Loại chất này bị cấm dùng trong thực phẩm vì gây độc. Việc sử dụng chất vàng O lâu ngày sẽ gây suy yếu các cơ quan nội tạng, phát triển các tế bào ung thư, tàn phá sức khỏe.

Năm 2019, Indian Express đã đăng tải sự việc 6 trẻ em Ấn Độ ngộ độc sau vài phút vô tình ăn phải thức ăn trộn với bột vàng O.

Vài phút sau khi ăn, cả 6 đứa trẻ đều nôn mửa. Trong đó, 2 trẻ ngất xỉu. Tất cả được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương và điều trị tại khoa Chăm sóc tích cực nhi. Sau 2 ngày, tình trạng sức khỏe các bé đã dần ổn định.

Sở Y tế và Dịch vụ Người cao tuổi New Jersey (Mỹ) định nghĩa vàng O (Auramine O) là một loại bột màu vàng, không mùi, kết tinh (giống như cát). Chất này được sử dụng làm thuốc nhuộm cho giấy, hàng dệt may và da. Nó cũng được sử dụng như một chất khử trùng và thuốc diệt nấm.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), Auramine O được xếp vào nhóm 2B (có thể gây ung thư ở người). Chất này có khả năng gây đột biến gene và tổn thương DNA, thường được sử dụng trong công nghiệp nhuộm nhưng có nguy cơ độc hại cao.

Theo cơ quan quản lý, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm định liên quan đến chất vàng O là nguyên nhân khiến cho giá sầu riêng giảm sâu thời gian qua. Tính đến ngày 26/1, Việt Nam chỉ có 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm vàng O trong sầu riêng được Trung Quốc công nhận. Các trung tâm này nằm tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cà Mau...

 Vàng O hay được sử dụng để tạo màu vàng hấp dẫn cho nhiều món ăn quen thuộc như măng, dưa cải muối…. Ảnh: N.H.

Vàng O hay được sử dụng để tạo màu vàng hấp dẫn cho nhiều món ăn quen thuộc như măng, dưa cải muối…. Ảnh: N.H.

Cách nhận biết thực phẩm chứa vàng O

Tại Việt Nam, hiện ngành y tế vẫn chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào có liên quan đến vàng O. Tuy nhiên, chất này có thể được sử dụng để tạo màu vàng hấp dẫn cho nhiều món ăn quen thuộc của người Việt như măng, dưa cải muối…

Vàng O đã được xác định là chất gây ung thư ở người, đặc biệt liên quan đến ung thư bàng quang. Theo Trung tâm Thông tin Chất nguy hiểm New Jersey (Mỹ), chất này có thể được hấp thụ qua da, làm tăng mức độ phơi nhiễm và nguy cơ sức khỏe. Ngoài ra, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), việc sản xuất vàng O có liên quan đến ung thư bàng quang ở người. Do đó, không có mức độ phơi nhiễm an toàn nào đối với vàng O và cần hạn chế tiếp xúc với chất này ở mức tối thiểu.

Theo ông Châu Ngọc Tâm, Phó cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, người tiêu dùng nên lựa chọn sử dụng các thực phẩm có màu sắc tự nhiên, hạn chế mua những thực phẩm có màu sắc "đẹp bất thường" như măng vàng, gà da vàng cam, xôi gấc quá cam, hạt dưa đỏ, mứt bánh màu mè...

Người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen chọn thịt gà theo cảm quan màu sắc. Khi mua gia cầm được làm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng thì có màu vàng đậm, mỡ màu vàng; thịt nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi, da không có vết tụ máu hay bầm tím.

“Cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, vịt nhuộm màu độc hại là da của gia cầm có màu vàng óng đẹp và đều, nhưng phần mỡ lại trắng do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu”, ông Tâm cho hay.

Bên cạnh đó, măng không hóa chất do được ngâm muối nên có màu hơi thâm đen, trong khi măng ngâm hóa chất có màu trắng phau hoặc màu vàng đậm do được ngâm bột vàng O.

Khi chế biến, với tất cả loại măng mua về, mọi người nên ngâm qua nước một thời gian, sau đó luộc kỹ bỏ nước rồi mới sơ chế. Điều này sẽ làm bay hơi độc tố có sẵn trong măng. Người tiêu dùng cần tránh mua măng bóng đẹp, bắt mắt, vỏ ngoài láng mịn, sờ vào có cảm giác dính tay.

Ngoài ra, mọi người cũng nên chọn mua dưa cải muối có màu xanh - vàng (nhiều xanh hơn), không nên chọn loại dưa phần cuống dày bên ngoài vàng mà trong xanh.

Sau khi tiếp xúc với vàng O, tốt hơn hết người dân nên rửa hoặc tắm ngay để loại bỏ hóa chất, bất kể có tiếp xúc với da hay không. Người dân không ăn uống ở nơi vàng O được xử lý, để tránh vô tình phơi nhiễm với chất độc này.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vang-o-la-chat-gi-ma-khien-sau-rieng-rot-gia-post1530707.html