Vẫn khó khi tham gia bán tín chỉ carbon rừng
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về tín chỉ carbon rừng, với tổng diện tích rừng là 14,8 triệu héc ta, độ che phủ là 42%.
Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, hiện có rất nhiều địa phương trên cả nước đã sẵn sàng sẵn sàng thực hiện việc bán tín chỉ carbon. Có thể kể đến những địa phương như Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum, Bắc Kạn... và những địa phương có rừng ngập mặn.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Mỹ Hải - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, toàn tỉnh có khoảng 370.000ha rừng, chiếm 80% diện tích, hiện Bắc Kạn rất muốn tham gia vào thị trường chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.
Hay như ở Tuyên Quang, hiện tỉnh này có tổng diện tích rừng gần 450.000ha, với độ che phủ rừng trên 65%. Từ đó, mỗi năm có khoảng 4 triệu tấn carbon được lưu giữ từ rừng, tương đương có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán. Theo đại diện Sở NNPTNT Tuyên Quang, với những điều kiện như vậy, tỉnh Tuyên Quang đang có rất nhiều tiềm năng về thương mại carbon. Được biết, hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Tuyên Quang khá thấp chỉ khoảng bình quân 138.000 đồng/ha/năm. Chính vì thế, nếu bán được tín chỉ carbon sẽ tăng nguồn thu cho người làm nghề rừng. Đây sẽ là nguồn kinh phí dùng để tri trả cho công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và nâng cao chất lượng rừng.
Trong khi đó, theo Bộ NNPTNT, hiện trên cả nước có 3 vùng đã sẵn sàng bán tín chỉ carbon. Vùng có trữ lượng lưu giữ carbon lớn nhất là vùng Đông Bắc với 21 triệu tấn carbon/năm. Và theo các chuyên gia, những tỉnh có nhiều rừng tự nhiên sẽ có tiềm năng lớn về thương mại hóa tín chỉ carbon.
Tuy nhiên, đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết, thị trường carbon Việt Nam chưa hình thành. Từ nay đến giai đoạn thị trường carbon Việt Nam chính thức hình thành (năm 2028), các hoạt động mua bán, trao đổi lượng giảm phát thải carbon rừng đều phải thực hiện dưới hình thức thí điểm và phải xin ý kiến Chính phủ để có cơ chế thí điểm riêng.
Như thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ giữa Bộ NNPTNT và Ngân hàng thế giới là một nghị định thí điểm riêng. Từ thỏa thuận này, Việt Nam đã hoàn thành chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng khu vực Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới với mức giá 5 USD/tấn và đã nhận về đủ 51,5 triệu USD vào cuối năm 2023. Hiện với ERPA vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng cơ chế thí điểm riêng, trình Chính phủ phê duyệt.
Vẫn theo Cục Lâm nghiệp, về mặt nguyên tắc, các tỉnh có thể đề nghị Thủ tướng hoặc Chính phủ cho phép mua bán, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng. Nhưng tự địa phương làm sẽ rất khó khăn do hiện nay các đối tác quốc tế chủ yếu quan tâm đến thị trường carbon rừng tự nhiên, mà tài sản rừng tự nhiên thuộc sở hữu Nhà nước. Quyền sở hữu carbon rừng và chia sẻ lợi ích chưa được thể chế trong pháp luật chung.
Như với tỉnh Quảng Nam, có nhà đầu tư sẵn sàng vào hỗ trợ xây dựng đề án, chương trình đo đếm giảm phát thải rừng với tổng kinh phí lên tới 1 - 2 triệu USD để xác nhận được tín chỉ. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp hiện hành cũng chưa cam kết sau khi một nhà đầu tư bỏ tiền ra đo đếm thì sẽ giành được quyền ưu tiên, vì đây là tài sản nhà nước nên phải đấu thầu, do đó nhà đầu tư rút lui. Khó khăn tiếp theo, đó là chi phí để xác định lượng giảm phát thải và được cấp tín chỉ rất tốn kém, cần dùng nhiều công nghệ hiện đại. Như vậy, quy mô rừng phải đủ lớn để tạo thành một dự án đo đếm được và các tổ chức quốc tế cũng thường quan tâm đến dự án mang tính liền vùng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-kho-khi-tham-gia-ban-tin-chi-carbon-rung-10293974.html