Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa 'Đại triều Thề trai giới' không bằng thành kính thực lòng
TTH - Một nén hương thơm, một chút lễ mọn dâng cúng trời đất, tiền nhân, anh linh các anh hùng liệt sĩ và vong hồn những người đã khuất, âu cũng là chỗ dựa tinh thần cho lòng người được chút an yên…
Ở đất Huế, nói đến xuân, tết với nhiều người là nghĩ ngay đến chuyện… cúng tế. Khởi đầu là cúng tổ nghề, rồi cúng tất niên, cúng lên nêu, cúng Giao thừa, cúng gia tiên ngày 3 bữa trong suốt ba ngày tết; rồi Tết nhà, cúng đưa. Xong cái là tiếp cúng khai trương, Nguyên tiêu… Thế cho nên không chỉ một mà rất nhiều lần, khi nghe tôi nói đang sống ở Huế, nhiều người đã nhận xét: Cái xứ của ông thật là…, đi đâu cũng thấy cúng, mùa nào cũng thấy cúng. Còn người Huế đôi khi cũng tự trào: Xứ mình cúng mãi bơ nghèo chơ chi mô có…
Nhưng trên vừa kể chỉ là những lễ cúng lẻ tẻ thường niên. Chứ ở Huế, khởi đầu mùa xuân hàng năm còn có một lễ cúng được liệt hàng “Đại tự”: Lễ tế Nam Giao. Đây là lễ tế linh thiêng bậc nhất, quan trọng bậc nhất của các triều đại phong kiến – quân chủ ở Đông Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng. Huế là Kinh đô triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước. Do vậy, Huế cũng là nơi chứng kiến, lưu giữ khá đầy đủ tài liệu về những lần tổ chức lễ tế quan trọng sau cùng này dưới thời quân chủ. Cũng nhờ thời gian chưa quá xa, tài liệu lưu giữ khá đầy đủ, nên sau này, qua các kỳ Festival Huế, bắt đầu từ 2004, lễ tế Nam Giao đã dần dần được phục dựng hoàn chỉnh với tất cả hình thức, nghi tiết xưa; trở thành một lễ hội được người dân và du khách ngóng chờ nhất mỗi kỳ Festival Huế. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của cách đây gần 20 năm, hàng vạn du khách và người dân Huế đứng chật 2 bên đường từ Ngọ Môn cho đến đàn Nam Giao để chờ đón đoàn Ngự đạo hồi cung khi lễ tế Nam Giao lần đầu tiên được phục dựng tại Festival Huế 2004. Cho dù đó chỉ mới là phục dựng một phần, nhưng ai cũng chờ đón trong tâm trạng háo hức và đầy thành kính…
Cho đến Festival Huế 2016, sau 6 kỳ phục dựng, lễ tế Nam Giao đã được tiến hành đúng nghi thức truyền thống, hạn chế những yếu tố lễ hội, sân khấu hóa, mà hướng vào chiều sâu văn hóa tâm linh. Lễ tế Nam Giao cũng đẫm chất nhân văn hơn khi không chỉ có cúng tế trời đất, thần linh mà còn là cúng tế, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân cùng chư vị anh hùng, liệt sĩ có công với đất nước…
Chỉ xin khái lược vài nét vậy thôi, chứ xung quanh hai chữ Nam Giao là cả câu chuyện vô cùng dài, vô cùng thú vị mà trong một vài trang giấy không có thể kể hết được. Ở đây, chỉ xin chắp nhặt đôi dòng cùng bạn đọc về một chi tiết mà theo chúng tôi là khá thú vị bởi nó chứng tỏ tư duy khoáng đạt, mới mẻ và rất thực tế của vua Minh Mạng, vị hoàng đế thứ 2 của vương triều Nguyễn khi chẳng câu nệ, quyết định cho sửa một quy định có tính linh thiêng và trước nhất của lễ tế Nam Giao. Đó là quy định về “trai giới”.
Từ thời Gia Long quy định việc trai giới không chỉ được đặt ra với người chủ tế mà còn cả với những người tham dự. Ba ngày trước khi tế, triều đình thiết Đại triều Thề trai giới ở điện Thái Hòa. Điển chế áp dụng thực hiện trình tự trai giới rất nghiêm ngặt. Các quan đã thề rồi mà phạm những quy định như: đi phúng đám tang, hỏi thăm người ốm, đi dự yến tiệc,… sẽ bị phạt lương. Kể cả những viên quan có nhiệm vụ cử người đang có tang hoặc đang bị tội tham gia vào việc tế tự cũng bị tội liên đới, phạt 1 tháng lương… Cứ vậy, Đại triều Thề trai giới ở điện Thái Hòa được tiến hành nghiêm cẩn thường niên suốt thời gian vua Gia Long trị vì.
Vua Gia Long băng, con là Minh Mạng kế vị. Đáo hạn tế Nam Giao, ngày giờ đã được chọn trình lên, và theo lệ thường lễ Thề trai sẽ được tổ chức, nhưng bấy giờ Bộ Lễ tâu: “Chay là đều. Trước kỳ có răn là để cho các người chấp sự đều hết lòng tinh khiết. Duy thờ Trời lấy sự thực thành kính, không cầu văn hoa. Đương lúc nghiêm túc giữ lòng thành thì ngày đêm sạch sẽ để tỏ tinh thành. Nếu lại bày nghi vệ tuyên lời thề kiêng thì hình như là văn hoa phiền phức, sợ không rõ được lòng thành kính chuyên nhất… Xin từ nay hằng năm chọn được ngày tế Giao rồi, thì xuống dụ răn bảo các quan văn võ chấp sự cùng người bồi tế, đều trước 3 ngày phải chay giới như luật. Còn việc đặt buổi chầu thề chay thì xin thôi. Vua cho là phải”. (Đại Nam thực lục - Quốc sử quán triều Nguyễn, Kỷ thứ 2: Minh Mạng - Nguyễn Phúc Đảm).
Từ đó, lệ thiết Đại triều Thề trai giới được bãi bỏ. Lẽ dĩ nhiên, đó là bỏ về mặt hình thức để tránh “văn hoa phiền phức” như sách thực lục viết, còn lòng thành thì chắc hẳn không ai là không dám chuyên nhất, lừa dối khi đối diện với trời đất, thần thánh. Ngay cả hơn trăm năm sau, khi lễ tế Nam Giao đang trong quá trình phục dựng và vẫn đang còn nặng tính sân khấu, lễ hội, có một chuyện vui mà tôi được nghe một người bạn là cán bộ công tác tại trung tâm di tích kể, một nghệ sĩ gạo cội khi được chọn “đóng” vai chủ tế đã vô cùng… kinh hãi. Và dù không ai bắt, anh cũng lo trai giới nghiêm cẩn, rồi cùng người nhà sắm sanh lễ vật lên đàn Nam Giao lo khấn vái trời đất từ trước đó nhiều ngày rồi mới dám yên tâm “vào vai”.
Sau quá trình nghiên cứu, phục dựng thành công, lễ tế Nam Giao bây giờ được tiến hành gần như thường quy với lễ phẩm, nghi tiết trang nghiêm. Chủ tế, bồi tế… không còn là nghệ sĩ đóng vai nữa mà là đại diện lãnh đạo chính quyền và các ban ngành. Sau đó là bà con bá tánh, bất kỳ ai cũng có thể được tiến lên đàn cúng, được tự mình dâng nén tâm hương lên tất cả các ban thờ. Chính vì hướng vào chiều sâu văn hóa tâm linh như vậy nên không cần nhắc, ai đến dự lễ cũng đều tự giác ăn mặc nghiêm trang, lắng lòng thành kính và cảm thấy an yên, thỏa mãn mỗi khi lễ tất trở về với việc làm ăn, cơm áo thường nhật.
Quay lại với nhận xét: “Cái xứ của ông thật là…, đi đâu cũng thấy cúng, mùa nào cũng thấy cúng”; Và: “cúng mãi bơ nghèo chơ chi mô có…”. Tôi hiểu đó là những nhận xét, những tự trào yêu thương. Chứ chẳng ai nỡ chê trách, nỡ đả kích về cái chuyện cúng kiến của Huế cả. Từ phương bắc xa xôi vượt đèo Ngang để vào khai phá, sinh cơ nơi vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”; rồi chiến tranh, rồi thiên tai bão lũ triền miên, con người ta sao không cảm thấy mình bé nhỏ, chông chênh cho được. Một nén hương thơm, một chút lễ mọn dâng cúng trời đất, tiền nhân, anh linh các anh hùng liệt sĩ và vong hồn những người đã khuất, âu cũng là chỗ dựa tinh thần cho lòng người được chút an yên, cảm thấy tự tin với cuộc sinh tồn và phát triển nơi vùng đất mới.
Bài, ảnh: Huy Khánh