Vẫn còn khoảng trống!
Trong tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo Luật đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật, trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù. Tuy vậy, dự thảo Luật vẫn còn khoảng trống, đó là chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng và 'giữ chân' nhân tài.
Mặc dù Luật Luật Thủ đô 2012 quy định: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài, nhưng thực tiễn triển khai chính sách này ở Hà Nội thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Trong vòng 10 năm triển khai thi hành Luật, Thành phố chỉ tuyển dụng đặc cách đối với 77 vận động viên xuất sắc đạt Huy chương tại giải thi đấu Thể thao quốc tế, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành văn hóa - thể thao Thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng chỉ thu hút được 55 thủ khoa xuất sắc vào làm việc tại các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, trong khi số thủ khoa xuất sắc hàng năm không phải là ít. Thực hiện Đề án đào tạo, tuyển dụng bác sỹ nội trú cho ngành y tế Hà Nội, thời gian qua, đã tuyển dụng 32 bác sỹ nội trú tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội về công tác tại các bệnh viện thuộc Thành phố. Thành phố cũng đã bổ sung kinh phí cho Quỹ khuyến khích và đào tạo tài năng của Thành phố số tiền là 68 tỷ đồng nhằm thực hiện các chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài của Thành phố. Tuy nhiên, với số lượng nhân tài thu hút được thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của Thủ đô Hà Nội.
Một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là bởi các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn, mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể để thu hút đầu vào, chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường làm việc. Bên cạnh đó, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến cũng như các điều kiện đãi ngộ khác chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong chưa đầy 3 năm, trên phạm vi cả nước có khoảng 40.000 công chức, viên chức rời khỏi khu vực công do môi trường làm việc không phù hợp. Thực tế này cũng cho thấy, chúng ta chưa có chính sách sử dụng hợp lý và hấp dẫn để “giữ chân” nhân tài.
Để khắc phục bất cập này, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định một số chính sách để thu hút đầu vào đối với nhân tài, như: được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Dự thảo Luật vẫn có khoảng trống khi chưa có quy định cụ thể về cơ chế sử dụng, “giữ chân” nhân tài sau khi đã được thu hút như thế nào. Do đó, để khắc phục tình trạng này, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định vào trong dự thảo Luật về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm các nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống các cơ quan theo cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài.
Cùng với đó, dự thảo Luật cũng cần có các quy định về xây dựng môi trường làm việc để bảo đảm cho người tài được cạnh tranh lành mạnh. Đặc biệt, cần rõ cơ chế đánh giá hiệu quả lao động của nhân tài. Từ đó, có cơ chế chính sách khuyến khích động viên kịp thời, thỏa đáng để người tài có động lực tiếp tục cống hiến.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt bởi Hà Nội không chỉ là một đô thị đặc biệt mà còn là Thủ đô của cả nước. Đây thực chất là một luật về cơ chế đặc thù và giao quyền để Hà Nội phát triển đột phá. Do đó, rất cần cụ thể hóa các cơ chế chính sách đặc thù, đột phá ngay trong dự thảo Luật, trong đó có chính sách về thu hút, sử dụng và giữ chân người tài.