Vẫn có tình trạng lãng phí trong lập kế hoạch vốn đầu tư và giải ngân?

Ngày 11/5, tại Phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Trong đó, đặt vấn đề, có tình trạng lãng phí trong lập kế hoạch vốn và giải ngân không?

Tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau

Tờ trình về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho thấy, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Về kết quả THTK, CLP trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết; các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới.

Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng.

Trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, các bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ, các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về nhiệm vụ, giải pháp năm 2023, Chính phủ xác định triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số…

Báo cáo Thẩm tra sơ bộ Kết quả THTK, CLP năm 2022 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh trình bày cho thấy, cơ quan thẩm tra ghi nhận, công tác THTK, CLP năm 2022 đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, về lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành, đến Kỳ họp thứ 5, Chính phủ vẫn trình Quốc hội phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, lãng phí trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được chỉ ra tại các kỳ báo cáo trước chưa được khắc phục, việc triển khai rất chậm, nhiều hạn chế, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tiến độ giải ngân vốn một số dự án quan trọng quốc gia còn chậm…

hó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Theo cơ quan thẩm tra, vẫn còn diễn ra tình trạng lãng phí ở nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công còn có biểu hiện lãng phí… Do đó, cần phân tích sâu sắc, đầy đủ hơn những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác THTK, CLP và các giải pháp khắc phục.

Đánh giá mức độ lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập đến việc lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước và nhận định, nội dung này chưa được nêu rõ trong báo cáo, vẫn có tình trạng lãng phí trong lập kế hoạch vốn và giải ngân?

Đồng thời đề nghị, trong báo cáo đánh giá mức độ lãng phí đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện nay đang vướng cả về cơ chế lồng ghép, nguyên tắc lồng ghép, phân cấp, phân quyền…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Báo cáo thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, về cơ bản trong năm qua, Chính phủ đã quyết tâm để thực hiện giải ngân các dự án đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận thức và cố gắng tham mưu các văn bản hướng dẫn để kịp thời đôn đốc nhằm thực hiện hiệu quả các nguồn vốn. Tuy nhiên quá trình hoàn thiện các thủ tục cũng như sự chuẩn bị các dự án đầu tư còn chậm và có nhiều hạn chế...

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ đã tham mưu Chính phủ khẩn trương sửa đổi 2 Nghị định liên quan. Đó là Nghị định số 27 và Nghị định số 57.

Giải trình về các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết do nhiều nguyên nhân, việc giải ngân vốn của chương trình tại các địa phương rất chậm. Bộ trưởng đề xuất phân bổ vốn về cho các địa phương, sau đó sẽ giám sát việc chi tiêu ngân sách.

Trong năm 2023, vốn ngân sách cho đầu tư công tăng 25% so với năm 2022. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Quốc hội cũng đã quyết định giao cho Chính phủ chi tiết. Các thành viên Chính phủ đã đôn đốc từng địa phương nhằm thúc đẩy giải ngân được hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công tác THTK, CLP khi đạt được nhiều kết quả và có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong năm 2022, Quốc hội đã có giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022, Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15.11.2022 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc lãng phí, tình trạng lãng phí còn vi phạm, sai sót ở mức độ khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý ngân sách, đầu tư công, mua sắm, quản lý đất đai, tài sản công, nhất là thủ tục hành chính của các bộ, ngành, các địa phương còn gây phiền hà, cản trở cho doanh nghiệp và người dân…

Từ đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, đánh giá rõ về chuyển biến trong nhận thức và hành động, nêu rõ hạn chế, tồn tại cơ bản, nguyên nhân và trách nhiệm trong từng vấn đề.

Cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, có giải pháp đẩy mạnh THTK, CLP; tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước, tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.

Nguyễn Vũ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/van-co-tinh-trang-lang-phi-trong-lap-ke-hoach-von-dau-tu-va-giai-ngan.html