Va chạm giao thông: Hình ảnh xấu xí khi thắng - thua bằng nắm đấm

Thực tế những vụ hành hung sau va chạm giao thông cho thấy nhiều người lớn tiếng qua lại chỉ để chứng minh chuyện đúng sai, thậm chí thách thức nhau, còn người hung hãn thì hành xử côn đồ.

Lời Tòa soạn:

Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những clip ghi lại hình ảnh ‘luật đời’- mạnh được yếu thua trên đường phố. Hình ảnh người yếu thế hơn bị hành hung xuất phát từ những nguyên nhân nhỏ nhặt khiến nhiều người bức xúc.

Không hơn thua, thách thức nhau

Từ thực tế công việc cũng như qua những vụ hành hung khi va chạm giao thông xảy ra liên tiếp thời gian qua, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội Trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) nêu quan điểm, trước mỗi tình huống, mọi người cần giữ được sự bình tĩnh và hành xử chuẩn mực.

Tài xế bị người đàn ông ''tung cước'' đạp vào đầu ở một showroom ô tô. Ảnh: Cắt từ clip

Tài xế bị người đàn ông ''tung cước'' đạp vào đầu ở một showroom ô tô. Ảnh: Cắt từ clip

Theo Trung tá Phạm Văn Chiến, trong tham gia giao thông, việc ứng xử có văn hóa là điều cần hướng tới. Còn khi xảy ra va chạm giao thông, việc bình tĩnh giải quyết sẽ tránh được những tình huống đối đầu, thách thức hơn thua.

Cùng nêu ý kiến, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, trong mỗi vụ va chạm giao thông, hãy ứng xử theo xu hướng "một điều nhịn, chín điều lành" thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng. Ngược lại, nếu cố giành phần thắng về mình, chứng tỏ hơn thua, vụ việc có thể sẽ trở nên tồi tệ.

Ở một góc độ khác, theo ông Khánh, thực tế luôn có tình trạng khi vụ việc xảy ra, ít người chủ động nhận lỗi về mình, thậm chí sẵn sàng cãi vã, thách thức, nên đã có ý kiến nói "không có lửa thì làm gì có khói".

Thậm chí, trong nhiều vụ việc, dù va chạm nhỏ trên đường phố nhưng người trong cuộc sa đà vào việc tranh giành phần đúng về mình gây ùn tắc giao thông, khiến cả xã hội phải chờ đợi.

Còn nếu muốn rõ đúng sai với mỗi vụ va chạm giao thông, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, vụ việc phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh cũng cho rằng, việc tham gia giao thông và các hoạt động ở nơi công cộng hiện nay đều phải chấp nhận sự giám sát của cộng đồng, của hệ thống camera an ninh, camera hành trình trên đường phố. Vậy nên, từng cách ứng xử, từng hành vi vi phạm pháp luật và hành động sai trái đều sẽ được ghi lại.

Trưởng Công an quận Tây Hồ cũng thẳng thắn chia sẻ, qua công tác điều tra nhiều năm, nhiều vụ, không chỉ có chuyện người vi phạm có lỗi, đôi khi cả nạn nhân cũng có một phần lỗi. Kết cục, sau những vụ va chạm trên đường phố, người vi phạm pháp luật, hành hung người khác thì vướng vòng lao lý, còn nạn nhân thì chịu thương tích.

Chế tài đủ sức răn đe, xử lý hình sự ngay cả khi thương tích dưới 11%

Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội Trưởng Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT – Công an Hà Nội) cho biết thêm, đã từng có những vụ việc trên đường phố xảy ra theo xu hướng cố to tiếng chỉ để chứng minh mình đúng. Thậm chí, nhiều người còn có thói quen "cậy đông", lôi kéo hoặc gọi người đến hỗ trợ khiến vụ việc trở nên khó kiểm soát, hỗn loạn.

Hình ảnh nam sinh bị đánh ở TP Vinh. Ảnh: Chụp màn hình

Hình ảnh nam sinh bị đánh ở TP Vinh. Ảnh: Chụp màn hình

Đáng nói, cách ứng xử của những người trong cuộc cũng rất đáng bàn. Nhiều người cố tình khiêu khích, thách thức, “thêm dầu vào lửa” dẫn đến đôi bên cãi vã, xô xát.

Ở góc độ xử lý những vụ việc hành hung, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng xảy ra trên đường phố, Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, các quy định, chế tài của pháp luật hiện nay đã đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Nguyễn Hữu Khánh, luôn có thực tế nhiều người không kiềm chế được hành vi, khi vi phạm pháp luật bị xử lý mới thấy mức độ nghiêm trọng, mới ăn năn, hối hận.

Chia sẻ thêm về vấn đề trên, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty luật TAT Lawfirm cho rằng, việc ứng xử côn đồ sau va chạm giao thông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của người bị hại mà còn gây mất an ninh trật tự.

Trước thực tế những vụ hành hung khi va chạm giao thông xảy ra ngày càng nhiều, ông Tú cho rằng, có những vụ việc cách xử lý chưa đủ mạnh để răn đe, khiến nhiều người vẫn có tâm lý “nhờn luật”, sẵn sàng dùng bạo lực khi xảy ra mâu thuẫn trên đường.

“Do vậy, cần áp dụng một số biện pháp tăng tính răn đe và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Cụ thể, truy cứu trách nhiệm hình sự ngay cả khi tỷ lệ thương tích dưới 11%, nếu hành vi có dấu hiệu côn đồ, dùng hung khí, hoặc gây bức xúc trong xã hội.

Đồng thời, đưa việc giáo dục kiểm soát hành vi vào chương trình đào tạo lái xe, giúp người tham gia giao thông biết cách xử lý tình huống va chạm một cách bình tĩnh, tránh bạo lực.

Đặc biệt, cần truyền thông mạnh để nâng cao nhận thức về hậu quả pháp lý của hành vi hành hung khi va chạm giao thông, để người dân hiểu, tránh một phút mất kiểm soát mà bản thân đang là một công dân trở thành một bị can trong vụ án hình”, luật sư Trương Anh Tú nói.

Tiến Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/va-cham-giao-thong-hinh-anh-xau-xi-khi-thang-thua-bang-nam-dam-2373641.html