Và cảm hứng sẽ dẫn đường
1. Một trong những chiếc thuyền gỗ cập bến sông gần nhà tôi vẫn là nơi tụ tập mỗi chiều của mấy ông bạn nhậu. Hình như họ đều là dân chạy sà lan, thuyền, ghe quanh đó. Thi thoảng có việc chạy xe qua, tôi vẫn thấy họ tụ tập hát hò và lai rai khi chiều vừa xuống, sau một ngày làm việc cực nhọc. Mùa này, khi nhiều người dân ngụ cư trở về lại quê nhà thì họ vẫn ở đó, trên chiếc thuyền nhỏ, chờ dịch giã đi qua. Và những tiếng hát, tiếng gõ vẫn đôi khi bất chợt ngân vang ở đó.
Điều khiến tôi phải dừng mắt khá lâu khi đi ngang qua đó, thậm chí có khi phải dừng xe, đứng vào mép vỉa hè để nghe một bác gầy gò trong số họ chơi nhạc. Trời ơi, “dàn nhạc” lạ lùng không thể có ở bất cứ đâu khi mà trống là can nhựa, chiêng là vài vỏ lon bia kết lại, thậm chí chỉ một chiếc muỗng lướt trên đôi tay phù thủy gõ xuống li, bát cũng thành nhạc đệm rất hài hòa cho những câu lý kéo chài: “Gió lên rồi căng buồm cho khoái, gác chèo lên ta nướng khô khoai, hò ơ...”.
Những nhạc cụ tự chế thực ra không lạ. Đã có hẳn một nghệ nhân Mai Đình Tới xác lập kỉ lục Việt Nam là người có nhiều nhạc cụ tự chế nhất nước. Nhưng nhìn mọi thứ cũng trở thành nhạc cụ mà có thể chơi hay, chơi hợp cạ khiến người qua đường cũng như tôi phải dừng chân lắng nghe, mỉm cười và thấy lòng mình muốn ngân nga theo như những người lái xà lan vất vả ấy, tôi tin đó là hàng hiếm.
Điều gì khiến họ làm tôi bị thu hút mỗi lần bắt gặp đến vậy nếu không phải là cảm hứng? Một cây vĩ cầm, thậm chí dương cầm - được xem là nhạc cụ vua cùng một nghệ sĩ có nghề nếu ra đây chơi, dĩ nhiên sẽ phải chào thua. Không hợp cảnh là một lẽ nhưng quan trọng hơn là không truyền được cảm hứng hào sảng chất chứa sau những buổi lao động vất vả từ sáng mai tới chiều tà và giờ cùng nhau ngồi nghêu ngao khúc hát quê hương chờ trăng lên bên vỉa hè phố xá. Và như lúc này, phố xá mệt nhoài, lòng người bải hoải sau cơn đại dịch thì tiếng hát của họ như một niềm vui le lói sót lại để nhìn về ngày mai. Ngày mai, dẫu ra sao thì vẫn cần tiếng cười, tiếng hát.
2. Mỗi khi nhắc tới cảm hứng tôi vẫn thường nhớ tới thầy Khắc Tùng. Một vài lần tôi theo cô bạn thân tới lớp học đờn ca tài tử của thầy. Lớp chỉ một nhóm nhỏ thầy trò, nằm dưới gốc gây gõ đỏ cổ thụ. Tiếng đàn, tiếng sáo tiếng ca những điệu lý câu hò chộn rộn trong lớp học này có một sức hút lạ kì. Hầu hết các học viên đều rất trẻ nên có khi còn lỗi nhịp, chưa nhuyễn bài, nhưng vẫn truyền cho người nghe một thiện cảm buộc phải lắng nghe. Với những học viên trẻ, ngoài việc truyền kiến thức, người thầy, một nghệ nhân già vẫn thường nhắc: “Nếu con chỉ chơi đờn bằng ngón tay thì bài nghe bị chai đá. Nhưng nếu con chơi bằng cảm hứng thật sự thì giai điệu sẽ uyển chuyển, mềm mại như suối reo và đi vào lòng người”.
Nhiều người trong giới tài tử vẫn trầm trồ một chuyện kể về ông thầy. Hơn 10 năm trước, trong một lần liên hoan đờn ca tài tử, ông và nghệ sĩ Út Tị song tấu vọng cổ. Nghệ sĩ kia chơi đờn cò, còn thầy đờn kìm. Dù đã cùng nhau tập nhuần nhuyễn và biểu diễn nhiều lần trước mọi người, nhưng khi lên sân khấu thi thố, Út Tị vẫn rất hồi hộp. Để giữ bình tĩnh và sự tập trung, Út Tị uống một chung rượu đế, nhai kẹo cao su. Vừa đờn được một câu, một trong hai dây đàn của Khắc Tùng đứt phựt. Oái oăm, đó lại là sợi dây thường được dùng nhiều hơn trong hai dây đờn kìm. Sau này Út Tị kể lại lúc đó ông hoảng quá nuốt trôi luôn cục kẹo cao su xuống bụng mà không hay. Nhưng thầy Lê Khắc Tùng vẫn ngồi ngay ngắn, mặt không biến sắc, tiếp tục chơi với một dây đờn duy nhất còn lại! Tới câu vọng cổ thứ hai, ban giám khảo gồm những tên tuổi nổi tiếng bấy giờ đã hết sức để ý xen lẫn tò mò nghe xem ông có bỏ sót chữ nào không? Nhưng dường như thiếu dây đàn chính kia vẫn không phải là chuyện gì to tát. Bản nhạc vẫn khiến người nghe vỗ tay rần rần.
Ai cũng nói, làm chủ được đến mức đó là một người điềm tĩnh. Nhưng thầy Tùng vẫn luôn nói, điều quan trọng nhất đó là hãy chơi bản nhạc bằng niềm cảm hứng vô tận dành cho đờn ca tài tử. Nhờ đó mà dẫu chỉ một dây đàn, người khác sẽ lắc đầu bó tay nhưng ông vẫn thành công bằng tất cả nhiệt huyết mà mình có.
* * * * *
Đôi khi muốn từ chối một việc gì đó, chúng ta nói rất ngắn: “Tui không có hứng”. Đó hoàn toàn không phải câu cửa miệng. Cảm hứng có thể quyết định xúc cảm và tác động nhiều đến thành công hay thất bại, thậm chí có thể nuôi niềm vui sống để chúng ta thấy mọi vất vả khó khăn bên đời chỉ là chuyện rất nhỏ, phải không?
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202110/va-cam-hung-se-dan-duong-3086281/