ỦY BAN XÃ HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO BÁO CÁO GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ DƯỢC
Chiều 04/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 12, Ủy ban Xã hội tiến hành cho ý kiến về Dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược'. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.
Mở đầu Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày Dự thảo báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược”. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật về dược quy định tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, góp phần bảo đảm an ninh về thuốc và phát triển của ngành dược; công tác phối hợp liên ngành, thông tin, truyền thông trong phổ biến và thực hiện pháp luật về dược được chú trọng và thực hiện có hiệu quả.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, về công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức thanh tra, kiểm tra và các vi phạm chủ yếu xảy ra về vấn đề chất lượng trong sản xuất thuốc, sử dụng nguồn nguyên liệu khác, khai báo đúng yếu tố cấu thành giá,…
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật về hành nghề dược của một bộ phận cơ sở kinh doanh dược chưa cao. Cơ chế phối hợp liên ngành của công an trong quản lý thị trường, trong việc thanh tra, kiểm tra, phòng chống gian lận vẫn chưa được chặt chẽ.
Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về dược, về một số hoạt động cụ thể, quy định thuốc phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh, trong giai đoạn vừa qua, có lúc cũng bảo đảm được. Quốc hội đã ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc trong hệ thống thủ tục để bảo đảm đủ thuốc.
Những vướng mắc liên quan đến đấu thầu cũng kịp sửa đổi bổ sung để tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, tại một số địa phương, tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra.
Việc phát triển công nghiệp dược trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, chưa có những hoạt động tập trung nghiên cứu, phát triển, chưa phát huy được tiềm năng kinh nghiệm trong việc khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền.
Việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh dược còn khó khăn, các hình thức kinh doanh mới chưa có quy định cụ thể.
Tình trạng trồng và phát triển dược liệu ở một số vùng mang tính tự phát, nhỏ lẻ theo thời vụ và khó kiểm soát được chất lượng của dược liệu trong quá trình nuôi trồng, thu hái và chế biến. Việc phát triển theo quy mô công nghiệp và sản xuất gắn với sản xuất hàng hóa, năng lực trong nghiên cứu, chiết xuất, bào chế còn hạn chế. Phát triển dược liệu chưa gắn với chuỗi giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, chưa phát huy được tiềm năng, kinh nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh bằng thuốc y học cổ truyền, cũng như hiện đại hóa các sản phẩm từ dược liệu Việt Nam.
Sau khi nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về dược”, các đại biểu tham gia Phiên họp tiến hành cho ý kiến về dự thảo báo cáo giám sát chuyên đề.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin nội dung phiên họp.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86613