Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình về quản lý thị trường vàng

Đại biểu cho rằng muốn kéo giá vàng trong nước ngang với thế giới thì phải đưa giá tham chiếu tương đương với giá quốc tế (giá nhập khẩu), cộng thêm thuế, phí…

Tình trạng giá vàng “nhảy múa”, tăng giá sốc thời gian qua là chủ đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm khi Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng 23-5.

ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng giá vàng tăng không phải do nhu cầu thực tế của người dân mà có thể do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.

 ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NHƯ Ý

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: NHƯ Ý

ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng băn khoăn thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu. Hẳn không phải là đến từ đa số người dân bình thường và do nguyên nhân thuần túy rằng đây là một kênh đầu tư thay thế cho kênh gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng với mức lãi suất không còn hấp dẫn.

“Liệu có phải chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? Nếu đúng như thế thì phải có giải pháp căn cơ” - ĐB Đồng nói.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói giá vàng biến động mạnh, giá trong nước và thế giới chênh lệch lớn dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ và có khả năng tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ là giải pháp tạm thời và cần giải pháp dài hạn để quản lý. ĐB Hòa đề nghị cần sớm bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN, đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 theo hướng cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN.

 Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mục tiêu của đấu thầu vàng. Ảnh: QH

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mục tiêu của đấu thầu vàng. Ảnh: QH

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mục tiêu của đấu thầu vàng. “Nếu muốn đặt mục tiêu đấu thầu đạt được giá cao hơn giá thị trường thì chúng ta thực hiện như phương thức hiện nay, tức là đặt giá sàn căn cứ tham chiếu vào giá thị trường của phiên trước đó. Điều này làm cho giá vàng trúng thầu đương nhiên bằng hoặc cao hơn, người trúng thầu nếu bán vàng lại bán giá cao hơn nữa, khiến cho giá vàng trên thị trường tăng lên” - ông Cường phân tích.

Theo ông Cường, muốn kéo giá vàng trong nước ngang với giá vàng thế giới thì phải đưa giá tham chiếu tương đương với giá quốc tế (giá nhập khẩu), cộng thêm thuế, phí…

“NHNN sẽ là nơi đứng ra như một đầu mối nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải nhập khẩu trực tiếp vàng vật chất mà tất cả người mua có thể mua theo giá tham chiếu đó, số lượng mua đó sẽ lưu ký vào NHNN. Chỉ với phương thức đó mới có thể hạ thấp giá vàng trong nước và đưa về sát với giá vàng thế giới” - ông Cường nói thêm.

Lo ngại diễn biến thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sốt ruột khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần. “Tới đây, dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan đến quản lý thị trường vàng” - ông Thanh cho biết.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/uy-ban-kinh-te-se-to-chuc-phien-giai-trinh-ve-quan-ly-thi-truong-vang-post792169.html