Ứng xử nơi xứ đồng

Nhiều xứ đồng trên địa bàn tỉnh, công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã và đang thực hiện có hiệu quả. Làm sạch ruộng đồng, người nông dân đã biết cách bảo vệ bản thân và sức khỏe cho người xung quanh. Đó cũng chính là lý do để những bể chứa rác thải BVTV ra đời...

Ông Mạch Văn Diện, xã Công Liêm (Nông Cống) bỏ rác thải BVTV vào bể chứa. Ảnh: Việt Hoàng

Ông Mạch Văn Diện, xã Công Liêm (Nông Cống) bỏ rác thải BVTV vào bể chứa. Ảnh: Việt Hoàng

Năm 2017, trên xứ đồng của 9 thôn xã Công Liêm (Nông Cống) đã được đặt 60 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV. 6 năm sau, vào năm 2023, xã Công Liêm lại triển khai đồng bộ 1 lần nữa, tiếp tục đặt thêm 60 bể chứa để phủ khắp xứ đồng của 9 thôn. Kinh phí mua những chiếc bể chứa này đều trên tinh thần xã hội hóa với sự đóng góp chủ yếu của nông dân trong xã, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Nông dân Mạch Văn Diện ở thôn Đoài Đạo nhớ lại: “Ngày đấy, khi được tuyên truyền, phổ biến lợi ích trong thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV, gia đình rất mừng, sẵn sàng tham gia đóng góp mua bể chứa. Trước phun thuốc xong thì vứt luôn vỏ chai, bao bì thuốc BVTV ngay tại bờ ruộng. Giờ làm đến đâu cũng phải nhớ mang rác thải về bể chứa...”.

Xã Công Liêm có 400ha đất nông nghiệp. Để người dân thấy rõ mục đích, tầm quan trọng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng là cả vấn đề khó. Thực hiện nhiệm vụ này, hội nông dân xã là nòng cốt. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Công Liêm thì lúc đầu, thực hiện công tác tuyên truyền cũng không dễ. Ông nói: “Có những chi hội phải họp đi họp lại nhiều lần. Nhiều hội viên nông dân chưa đồng thuận vì khó về kinh phí và bản thân họ cũng hoài nghi, rằng nếu thực hiện thu gom rác thải trên đồng ruộng hay mua bể chứa sẽ mang lại hiệu quả gì... Đến bây giờ bà con đã nhìn nhận ra vấn đề, ý thức chấp hành rất tốt. Sau khi sử dụng thuốc BVTV xong, phần vỏ bao bì được bà con bỏ vào túi bóng, đem ra để ở bể chứa. Hàng tháng định kỳ, công ty môi trường đi thu gom, xử lý theo quy định”.

Lắp đặt bể chứa rác thải BVTV tại xứ đồng xã Công Liêm (Nông Cống). Ảnh tư liệu địa phương

Tính đến thời điểm hiện nay, 29/29 xã trên địa bàn huyện Nông Cống đã lắp đặt 1.861 bể chứa rác thải BVTV. Tổng lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 3 tấn/năm. UBND huyện đã hợp đồng với Công ty CP Môi trường công nghệ cao Hòa Bình để xử lý với tần suất 1 lần/năm.

Thực tế, nếu giảm thiểu sử dụng hóa chất BVTV trên đồng ruộng, điều này đồng nghĩa sẽ giảm vỏ bao bì thuốc BVTV, giảm chất thải nguy hại. Xã Dân Lý (Triệu Sơn) có trên 600ha đất nông nghiệp với 150 bể chứa trên các xứ đồng. Ước tính, lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn xã phát sinh khoảng 0,3 tấn/năm. Theo ông Bùi Văn Long, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Dân Lý thì nếu các thôn trong xã đồng nhất loại phân bón cho cây lúa, chắc chắn sẽ giảm sâu bệnh, giảm dùng thuốc BVTV. Cụ thể, ông Long cho biết: “Hiện có một nửa số thôn đang sử dụng phân bón NPK Song Long, nửa còn lại dùng phân bón đơn, tức phân đạm nhiều hơn phân kali. Nếu dùng phân bón đơn, lúa rất xanh tốt nhưng sâu bệnh sẽ nhiều hơn, buộc chỉ đạo phun nhiều thuốc. Còn dùng phân bón NPK Song Long sẽ giúp cây lúa cứng cây, chống được sâu bệnh, hạn chế việc sử dụng hóa chất BVTV”.

Bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV ở xã Dân Lý (Triệu Sơn). Ảnh: Việt Hoàng

Trong những năm gần đây, việc thu gom các loại rác thải nguy hại trên địa bàn tỉnh ngày càng được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Hằng năm, toàn tỉnh tiêu thụ 200 - 300 tấn thuốc BVTV, trong đó, vỏ bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 10%, tương đương 20 - 30 tấn vỏ/năm. Đến nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh, UBND các xã đã bố trí được hơn 25.000 các bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV có nắp đậy tại các xứ đồng. Lượng chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh (chủ yếu: pin đã qua sử dụng, bóng đèn huỳnh quang thải...) chiếm khoảng 0,01% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đã được nhiều địa phương bố trí các thùng chứa tại mỗi nhà văn hóa thôn, trạm y tế... Định kỳ, UBND xã hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển đi xử lý các loại chất thải nguy hại này.

Tuy nhiên, vẫn còn một số xã chưa triển khai thực hiện lắp đặt các thùng chứa các loại chất thải nguy hại như đã đề cập ở trên. Ngược lại, có những địa phương, dù có nhiều bể chứa rác thải BVTV nhưng những bể chứa này lại chưa đúng tiêu chuẩn, đặt tại vị trí không thích hợp, khoảng cách giữa các bể tương đối xa hoặc việc quản lý các bể còn gặp nhiều khó khăn như người nông dân bỏ lẫn cả rác sinh hoạt vào những bể chứa rác thải BVTV...

Việt Hoàng

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ung-xu-noi-xu-dong-30993.htm