Ứng viên phó chủ tịch cũng khó thoát cảnh tuyển dụng kiểu 'dội bom'
Ngay cả nhân sự cấp cao vẫn rơi vào tình huống bị nhà tuyển dụng 'phớt lờ' hay 'dội bom tình cảm', dù quá trình phỏng vấn diễn ra tốt đẹp.
Debra Boggs, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng tuyển dụng nhân sự cấp cao Mỹ D&S Executive Career Management, cho biết ngay cả những lãnh đạo cấp cao cũng không tránh khỏi những trải nghiệm tuyển dụng đáng thất vọng.
Bà từng có một nam ứng viên đang phỏng vấn cho vị trí phó chủ tịch. Người đàn ông này đã trải qua vài vòng phỏng vấn và cảm thấy khá lạc quan.
Vì vậy, khi được mời đến một buổi phỏng vấn tiếp theo tại công ty, ông cho rằng đó là một dấu hiệu tốt và háo hức với cuộc phỏng vấn, ngay cả khi mất đến 3 tiếng để di chuyển. Song sự lạc quan đó không kéo dài lâu.
“Người quản lý tuyển dụng đến trễ và chỉ dành cho ông ấy nửa tiếng”, bà Boggs chia sẻ với CNBC Make It.
Theo nhận định của bà Boggs, việc nhà tuyển dụng không tôn trọng thời gian và nỗ lực của ứng viên là một “red flag” (tín hiệu cảnh báo) cần lưu ý. Sau đó, nam ứng viên kể trên đã quyết định ngừng ứng tuyển tại công ty đó.
“Có nhiều tín hiệu cảnh báo diễn ra trong quá trình ứng tuyển của ứng viên đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu tình hình phỏng vấn như vậy, mọi thứ sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi chính thức làm việc”, bà chia sẻ.
Theo khảo sát 2.900 nhân sự trên toàn cầu do nền tảng tuyển dụng Mỹ Greenhouse thực hiện, khoảng 53% đáp viên cho biết họ từng trải qua tình trạng bị nhà tuyển dụng “love-bombing” (tạm dịch: dội bom tình cảm).
Điều đó có nghĩa là ứng viên nhận được nhiều lời khen hoặc tâng bốc trong quá trình tuyển dụng, nhưng sau đó họ nhận được thông báo bị loại.
Theo báo cáo của Greenhouse, một trường hợp khác là ứng viên bị đề xuất mức thu nhập và chức danh thấp hơn so với trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của họ.
Trong khi đó, 52% ứng viên chia sẻ họ từng bị nhà tuyển dụng “ghost” (đột ngột biến mất hoặc ngó lơ) trong quá trình phỏng vấn. Nhiều ứng viên đi đến vòng cuối cùng nhưng không bao giờ nhận được phản hồi từ nhà tuyển dụng.
Những trải nghiệm đó là “nỗi thất vọng lớn nhất” đối với ứng viên, theo nhận định của Terry Petzold, đối tác quản lý tại Fox Search Group, nền tảng tìm kiếm lãnh đạo cấp cao cho các công ty công nghệ ở Mỹ.
“Theo tôi quan sát, phần lớn công ty không phản hồi cho ứng viên đều đang gặp vấn đề về quy trình tuyển dụng. Điều đó khiến ứng viên cảm thấy lo lắng và hoài nghi về định hướng nghề nghiệp, cũng như khả năng phán đoán của bản thân”, ông Petzold chia sẻ.
Vì sao doanh nghiệp “dội bom” ứng viên?
Tình trạng “dội bom tình cảm” có thể là kết quả của một số công ty đang muốn tuyển dụng nhanh chóng nhưng chưa hiểu rõ đâu là vị trí họ cần bổ sung.
Ông Petzold cho biết trong bối cảnh thị trường hiện nay, phần lớn doanh nghiệp không dùng nhiều ngân sách để tuyển dụng. Do vậy, các công ty này muốn “gộp nhiều vị trí thành một” để tiết kiệm chi phí.
“Các công ty này cố gắng để có được nhân sự họ chỉ cần vào thời điểm hiện tại. Thế nhưng quá trình tuyển dụng có thể kéo dài ít nhất một quý, hoặc thậm chí hai quý, đặc biệt là đối với vị trí lãnh đạo cấp cao”. Ông nói.
Khi các nhà tuyển dụng nhận ra những kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên phù hợp với nhu cầu của họ, mọi thứ trở nên khác biệt đáng kể so với khi mới bắt đầu tuyển dụng.
Do đó, ứng viên đi đến vòng phỏng vấn cuối cùng cảm thấy thất vọng khi nhận ra họ không còn là đối tượng phù hợp nhất cho vị trí đã ứng tuyển.
“Đó chính là trải nghiệm ‘dội bom tình cảm’, mọi người đều hào hứng và không có email nào xuất hiện. Điều đó cho thấy nhiều công ty chú trọng đến trải nghiệm khách hàng nhưng không quan tâm đến nhân viên và nhân sự trong tương lai”. Ông chia sẻ.
Ông Petzold nhận thấy điều đó có thể khiến danh tiếng của công ty bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi vì trải nghiệm tìm việc không như ý của một ứng viên có thể lan tỏa đến gia đình, bạn bè của họ và những người theo dõi họ trên mạng xã hội.
Theo quan điểm của Jon Stross, Chủ tịch và Đồng sáng lập của Greenhouse, nhiều doanh nghiệp không cố ý “dội bom tình cảm” ứng viên.
Vị chủ tịch cho biết vai trò của nhà tuyển dụng là tìm kiếm ưu điểm và tạo động lực cho ứng viên trong quá trình phỏng vấn.
“Đôi khi, họ thật sự nhiệt tình với ứng viên như thế,” ông Stross nói.
Ngoài ra, ông cho biết việc nhà tuyển dụng khen ngợi không đồng nghĩa với khả năng nhận được việc. Ứng viên cần chứng minh cho những người còn lại trong quá trình phỏng vấn về năng lực và mức độ phù hợp đối với vị trí ứng tuyển.
Tin tưởng những tín hiệu cảnh báo
Ứng viên là người quyết định rằng trải nghiệm tuyển dụng không như mong đợi như trên cản trở quá trình tìm việc ở những công ty khác, hoặc không.
Theo chủ tịch của Greenhouse, ứng viên có thể trở thành cái tên hàng đầu tại những công ty khác tuyển dụng vị trí tương tự. Do đó, ông khuyên ứng viên nên kết thúc quá trình phỏng vấn với thái độ tích cực và giữ mối quan hệ chuyên nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyển dụng, khi doanh nghiệp muốn thu hút ứng viên, họ luôn thể hiện khía cạnh tốt nhất trong quá trình phỏng vấn.
Do đó, bà Boggs chia sẻ: “Nếu nhận thấy quá trình tuyển dụng không thống nhất, điều đó cho thấy khi bắt đầu làm việc tại đó, tình trạng làm việc vô tổ chức sẽ còn nghiêm trọng hơn thế. Vậy nên, hãy tin tưởng vào những tín hiệu cảnh báo”.