Ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn

Liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Ngay khi thiên tai xảy ra các địa phương đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Nhiều địa phương bị cô lập

Cập nhật mới nhất của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, trong suốt các ngày 29, 30 và 31-7 các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 40 - 70 mm, có nơi mưa rất to với lượng mưa trên 100 mm. Điển hình như xã Linh Phú, Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) trên 100 mm; Tân Tiến, Đạo Viện, Trung Minh (Yên Sơn) lượng mưa đo được gần 120 mm; xã Ninh Lai, Thiện Kế, Đông Lợi, Chi Thiết (Sơn Dương) trên 100 mm… Mưa lớn dồn dập đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, sản xuất của người dân.

Trong ngày 30-7 vừa qua, một số các khu dân cư thuộc các thôn 5, 7, 8, xã Tân Tiến đã bị chia cắt do nước lũ. Anh Lê Thành Tuyên, công chức địa chính nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Tân Tiến cho biết: Mưa lớn cùng nguồn nước thượng nguồn đổ về đã xuất hiện lũ trên các con suối, các đập tràn đã ngập với độ sâu lên đến cả mét nước, khiến các phương tiện không thể qua lại. Hạn chế thấp nhất thiệt hại, xã Tân Tiến đã cắm biển cảnh báo đồng thời bố trí lực lượng chốt chặn tại các điểm ngập, nghiêm cấm người và phương tiện đi qua các đập tràn.

Nước lũ cuốn trôi nhiều hoa màu, tài sản của người dân.

Nước lũ cuốn trôi nhiều hoa màu, tài sản của người dân.

Chị Hoàng Thị Bích Thìn, trưởng thôn 5, xã Tân Tiến cho biết: Khoảng 16h chiều ngày 30-7, nước lũ đã làm cô lập 148 hộ dân trong thôn. Hiện tại thôn nội bất xuất, ngoại bất nhập, nhiều con, em của các hộ đi làm việc không thể về nhà đành phải ngủ trọ nhà dân bên ngoài. Hạn chế tổn thất do mưa lũ, thôn liên tục kiểm tra, theo dõi các hộ ở khu vực trũng, sẵn sàng hỗ trợ di chuyển tài sản, đồ đạc đến nơi khô ráo, an toàn.

Theo phản ánh của người dân đây là đợt mưa lịch sử nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mưa xối xả từ sáng đến tối không ngớt, mưa lớn nhấn chìm nhiều diện tích lúa, cây rau màu, ao nuôi trồng thủy sản của người dân. Báo cáo của UBND xã Tân Tiến, ghi nhận đến 7 h sáng ngày 31-7 đã có 7 điểm bị ngập, chia cắt toàn bộ các thôn. Hiện tại xã đã yêu cầu cán bộ kiểm tra tất cả các điểm xung yếu, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm nếu phát hiện dấu hiệu bất thường.

Cùng trên địa bàn huyện Yên Sơn các con suối trên địa bàn các xã Công Đa, Đạo Viện, Trung Minh nước lũ cũng đang lên rất to, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Cột điện trên địa bàn xã Yên Thuận (Hàm Yên) bị đổ gây nguy hiểm cho người dân.

Cột điện trên địa bàn xã Yên Thuận (Hàm Yên) bị đổ gây nguy hiểm cho người dân.

Trên địa bàn các xã Ninh Lai, Thiện Kế, Tân Trào, Chi Thiết (Sơn Dương) mưa lớn diễn ra trong nhiều giờ cũng đã làm ngập úng một số diện tích lúa mùa, cây màu của người dân. Báo cáo của UBND xã Chi Thiết, xã liên tục huy động lực lượng, phương tiện khơi thông trục thoát nước trên cánh đồng, để hạn chế đến mức thấp nhất nước ứ đọng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa mùa.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa lớn trong những ngày qua đã làm 2 người tử vong; 60 nhà bị hỏng và 850 ha lúa, cây màu, cây ăn quả bị ngập úng…

Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh đã đến thăm hỏi động viên gia đình có người gặp nạn. Với những hộ bị sạt lở đất, Văn phòng đề nghị khẩn trương di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện đã có 5 nhà dân thuộc các xã Thượng Giáp (Na Hang); Thái Bình (Yên Sơn); thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đã được di dời đến nơi an toàn.

Về sản xuất nông nghiệp cũng đã được khắc phục, nước trên các cánh đồng đã tiêu thoát. Các điểm sạt lở đất trên các trục đường giao thông cũng đã được san gạt, thông tuyến.

Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) huy động máy móc thiết bị san gạt, thông tuyến đường liên xã.

Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) huy động máy móc thiết bị san gạt, thông tuyến đường liên xã.

Bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết: Qua hệ thống quan trắc tự động, đã ghi nhận 90 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện là: Thành phố Tuyên Quang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương đang ở mức báo động cấp 1 nguy cơ sạt lở, sụt lún do độ ẩm trong đất đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết được phát liên tục trên các kênh thông tin, người dân đã nắm rõ được diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó.

Theo bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, dự báo diễn biến mưa lớn vẫn còn rất phức tạp. Trong tháng 8 sẽ xuất hiện các đợt mưa lớn với cường độ mạnh. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 20 - 50 mm, có nơi trên 80 mm. Trong mưa dông khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa dông tập trung xảy ra vào chiều tối, đêm và sáng sớm, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, nhanh chóng di dời đến nơi an toàn bảo vệ mình, người thân.

Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra các vị trí xung yếu, cắm biển cảnh báo nghiêm cấm người dân đi vào khu vực nguy hiểm; thông tin kịp thời diễn biến thời tiết, lượng mưa trên loa truyền thanh để người dân nắm được.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/ung-pho-khac-phuc-hau-qua-do-mua-lon-196023.html