Tỷ lệ sử dụng C/O xuất khẩu sang Cuba tăng khá
Tỷ lệ tận dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba đang cho thấy những tín hiệu tích cực, hàng hóa sử dụng C/O mẫu VN-CU xuất khẩu sang Cuba năm 2022 tăng cả về số lượng bộ C/O được cấp và trị giá kim ngạch.
Thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Cuba, ngày 21/4/2023 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cùng các thành viên Phân ban Việt Nam của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Cuba tham dự Hội đàm với ông Ricardo Cabrisas Ruiz, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba.
Tại buổi làm việc, hai Bên đã trao đổi về tình hình hợp tác thương mại – đầu tư song phương và các định hướng, biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới. Hai bên nhất trí phát huy và nâng cao hiệu quả của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cuba trong việc tháo gỡ các vướng mắc trong hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cuba đạt 181,8 triệu USD (giảm 30,5% so với năm 2021), trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Cuba đạt 175,3 triệu USD (giảm 23,3%) và nhập khẩu đạt 6,5 triệu USD (giảm 80,5%).
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là: gạo, cà phê, sản phẩm hóa chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng…, trong đó gạo là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Cuba chủ yếu là vắcxin và dược phẩm.
Đáng chú ý, theo Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công Thương), tỷ lệ tận dụng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Năm 2022, Việt Nam cấp 67 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu VN-CU, trị giá 130.59 triệu USD cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Cuba, tăng 347% về số bộ C/O và tăng 6% về trị giá so với năm 2021.
Góp phần gia tăng xuất khẩu sang Cuba và các nước Mỹ Latinh
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba được ký tại Hà Nội ngày 9/11/2018, thay thế Hiệp định giữa hai Chính phủ về trao đổi thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác được ký vào năm 1996. Ngày 10/2/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 8/NQ-CP về việc phê duyệt Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba. Hiệp định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2020.
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba bao gồm 14 chương, với các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại… Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.
Để thực thi Hiệp định, ngày 3/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2020/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba giai đoạn 2020-2023. Ngày 8/4/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba.
Nắm bắt được các cơ hội do Hiệp định này mang lại có thể giúp doanh nghiệp tận dụng thị trường Cuba như một đầu mối để gia tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực lân cận và các nước Mỹ Latinh.